Nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao, nhất là ở giới nữ ở độ tuổi từ 18 đến 50. Đáp ứng nhu cầu có thật này, ngày càng có nhiều cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và thẩm mỹ xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là địa bàn thành phố.
Điều cần làm rõ là không phải tất cả cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” đều thuộc sự quản lý của Ngành Y tế.
Ảnh minh họa.
Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm khác nhau, trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của Ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động, cụ thể:
Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp
Là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế.
Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do Ủy ban Nhân dân (UBND) quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động.
Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ
Là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp).
Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định (tại khoản 5, phần bổ sung Điều 23a NĐ 109/2016, trong NĐ 155/2018/NĐ-CP) gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Nhóm 3: Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ
Là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: (1) bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; (2) bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; (3) bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu (4) phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, (5) phòng khám chuyên khoa da liễu. Cho dù là bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa đều phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cấp cứu thiết yếu và trình độ chuyên môn của bác sĩ theo quy định và được Bộ Y tế, Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện mới cấp phép hoạt động.
Thực tế, do chưa có quy định về đặt tên biển hiệu của các “cơ sở làm đẹp” tương ứng với 3 nhóm cơ sở dịch vụ làm đẹp nêu trên, nên rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
Thực tế, với các biển hiệu thường thấy như “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”, “Trung tâm thẩm mỹ…” được treo tại những toà nhà có cơ sở hạ tầng sang trọng, bắt mắt,… dễ làm cho người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả các loại hình thẩm mỹ.
Đây cũng chính là một trong những “kẻ hở” để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.
Vì vậy, rất cần bổ sung các quy định pháp luật về tên các doanh nghiệp và tên các biển hiệu của các cơ sở để khi đọc tên biển hiệu của các “cơ sở làm đẹp” thì người dân sẽ dễ dàng nhận biết được đâu là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (nhóm 1), đâu là dịch vụ thẩm mỹ (nhóm 2), đâu là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (nhóm 3).
Đồng thời những quy định này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý có thêm cơ sở pháp lý để lấp đi những “kẻ hở”, không để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.