Hà Nội

Chưa phát hiện trường hợp tái dương tính có thể gây lây nhiễm trong cộng đồng

27-08-2020 21:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa phát hiện trường hợp tái dương tính gây lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 27/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những trao đổi về một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh, cho về nhà.

Theo đó, Quyền Bộ trưởng cho biết, những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa có trường hợp nào tái dương tính có thể lây nhiễm trong cộng đồng.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền.

Quyền Bộ trương cho biết, trên tinh thần hết sức thận trọng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị COVID-19 trong tiêu chuẩn công bố khỏi bệnh là bệnh nhân phải âm tính ít nhất 3 lần. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đề nghị các cơ sở y tế phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ bệnh nhân trong một thời gian. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối với các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa có trường hợp nào tái dương tính có thể lây nhiễm trong cộng đồng.

Về những trường hợp người đi từ Việt Nam (từ Hà Nội, Hải Phòng,…) nhập cảnh vào một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại nước bạn, qua trao đổi với cơ quan đầu mối về kiểm dịch y tế quốc tế của các nước này thì được biết, nước bạn sử dụng loại sinh phẩm chẩn đoán nhanh dùng dịch tị họng, độ đặc hiệu là khoảng gần 80%. Tiêu chuẩn xác định ca bệnh COVID-19 của mỗi quốc gia là khác nhau.

Với Việt Nam, trên tinh thần cảnh giác cao độ, khi được thông báo về các ca dương tính này, chúng ta vẫn coi đây là một trường hợp nhiễm/nghi nhiễm COVID-19, các địa phương phải lập danh sách F1 và xét nghiệm các trường hợp đó.

Đơn cử, tại Hải Phòng, địa phương này đã truy vết F1, xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể với các trường hợp này đều cho kết quả âm tính. Điều đó cho thấy không có tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về trường hợp khó này, nhưng đến nay WHO chưa có đầy đủ dữ liệu để đánh giá.

Đối với các địa phương khác trong trường hợp tương tự, Bộ Y tế đã yêu cầu truy vết F1 và xét nghiệm cả kháng nguyên, kháng thể các trường hợp này nhằm tìm mầm bệnh trong cộng đồng để bảo đảm an toàn tối đa. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các đối tác để nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về tình trạng này.

Trong cuộc họp giao ban Sở Y tế 63 tỉnh, thành với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 27/8, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết có trường hợp người lao động quê Ba Vì (Hà Nội) nhập cảnh sang Nhật Bản, tại đây bệnh nhân có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính.

Hà Nội đã tổ chức điều tra các trường hợp tiếp xúc gần (F1), phát hiện 11 người tiếp xúc gần, cách ly, xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1.

Ngoài ra, có ca là người Việt Nam sang Hàn Quốc du học, có kết quả dương tính (trường hợp nam thanh niên 24 tuổi làm việc ở một công ty phần mềm tại địa chỉ 17 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội).

Trường hợp này tiếp xúc khá nhiều người, đến nay đã điều tra được 78 F1, mẫu xét nghiệm, đang tổ chức cách ly theo quy định

Liên quan đến trường hợp này, chiều 27/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, hầu hết các trường hợp F1 của bệnh nhân bị phát hiện mắc COVID-19 khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, trong đó đặc biệt là những người tiếp xúc gần nhất như bố, mẹ, bạn thân, đều âm tính với SARS-CoV-2.

Thái Bình
Ý kiến của bạn