7/7 mẫu trà chanh hè phố được lấy ngẫu nhiên trên ở TP.Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm đã không phát hiện kim loại nặng (Pb, Hg, As, Cd), phẩm mầu công nghiệp và đường hóa học (Cyclamate).
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thực hiện kế hoạch giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2013, từ ngày 13/5 đến ngày 20/5/2013, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm các chỉ tiêu đánh giá an toàn thực phẩm đối vớí trà chanh hè phố tại một số quận ở TP.Hồ Chí Minh.
Tổng số đã giám sát được 7 mẫu, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 7/7 mẫu trà chanh không phát hiện kim loại nặng (Pb, Hg, As, Cd), phẩm mầu công nghiệp và đường hóa học (Cyclamate).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, kết quả giám sát vẫn chưa phát hiện trà chanh hè phố có các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện Cục vẫn đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục giám sát, lấy mẫu trà chanh hè phố để kiểm nghiệm phát hiện hóa chất độc hại và tiếp tục cập nhật thông tin cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.
* Liên quan đến thông tin phản ánh nước “phở bẩn” tại nhà số 10 ngõ 2 đê Tô Hoàng, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra. Ngày 24/5/2013, phòng y tế thuộc UBND quận Hai Bà Trưng đã có báo cáo số 104/BC-YT. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra nhà số 10 ngõ 2 đê Tô Hoàng (do bà Bùi Thị Oanh là chủ hộ) không hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, không bán hàng và không có biển hiệu. Kiểm tra thực tế, tầng 1 và tầng 2 của ngôi nhà 3 tầng là nơi sinh hoạt của gia đình. Tại tầng 3 với diện tích mặt bằng khoảng 15m2, tường và trần nhà đã xuống cấp, ẩm mốc; nền nhà có lát gạch men cũ; có 2 máy nghiền ruốc và 1 ròng rọc để vận chuyển đã hoen rỉ và lâu ngày không sử dụng; 2 bếp than tổ ong và 1 quạt thông gió cũ. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 12kg ruốc thịt lợn thành phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng được bảo quản trong túi nilong trắng và 1,5 lít nước luộc thịt.
Cơ sở chưa xuất trình được giấy phép đăng kí kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm mẫu ruốc thành phẩm; giấy kiểm tra vệ sinh thú ý; hợp đồng mua bán, chứng từ chứng minh nguồn gốc của thịt lợn và gia vị muối, nước mắm, mỳ chính để làm ruốc thịt và giấy khám sức khỏe, tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở.
Bà Bùi Thị Oanh khẳng định, trước đây gia đình bà có sản xuất ruốc thịt lợn nhưng hiện tại gia đình bà đã dừng sản xuất ruốc thịt lợn cách đây 5 năm. Ngoài ra, gia đình chưa bao giờ sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm thực phẩm nào khác ngoài ruốc thịt lợn và không kinh doanh nước phở. Còn 12 kg cân ruốc thịt lợn bà Oanh tự giã bằng tay để cho gia đình và họ hàng ăn.
Sau khi làm việc với các bên liên quan, phòng y tế quận đã lập biên bản làm việc với nội dung đề nghị: Gia đình bà Oanh khi thực hiện sản xuất, chế biến và kinh doanh ruốc thịt lợn, nước nấu phở thì phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực ATTP, nếu gia đình cố tình vi phạm sẽ chịu mọi xử lý của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục thông tin kịp thời đến người tiêu dùng khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu ruốc và nước luộc thịt của cơ sở nói trên.
Dương Hải