Chữa ngộ độc chì, thuốc gì?

22-06-2018 08:55 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chì là một kim loại nặng, kim loại màu, mềm, có nhiều công dụng trong đời sống con người, nhưng lại là một chất độc hại với sức khỏe con người và động vật.

Tác hại của chì

Chì là một kim loại nặng, kim loại màu, mềm, có nhiều công dụng trong đời sống con người, nhưng lại là một chất độc hại với sức khỏe con người và động vật.

Trẻ ngộ độc chì đang được điều trị tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai.

Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, trong xương (khi đã vào xương thì khó thải loại, muốn thải loại phải mất 30 - 40 năm), gây tổn thương cho hệ thần kinh và não, chì tập trung ở chất xám của não và tủy sống. Đặc biệt là trẻ em mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3 - 4 lần người lớn. Chì kìm hãm phản ứng ôxy hóa gluco để tạo ra năng lượng cho cơ thể.

Chì gây thiếu máu: ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ hồng cầu, làm hồng cầu dễ vỡ; giảm lượng hồng cầu.

Trên thận: chì gây tổn thương thận, giảm thải trừ acid uric qua nước tiểu làm tăng acid uric trong máu gây bệnh gout.

Trên hệ nội tiết, chì làm giảm chức năng tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận; ở trẻ em còn bị giảm tiết hormon và yếu tố tăng trưởng.

Trên xương, chì làm giảm yếu tố tạo xương, gây mất cân bằng các tế bào xương, giảm chiều cao ở trẻ ngộ độc chì.

Với hệ sinh sản, chì làm giảm chức năng sinh sản cả nam và nữ, giảm tình dục, giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm tinh trùng, thay đổi hình thái và tính di chuyển của tinh trùng. Làm thai chậm phát triển, giảm cân nặng trẻ sơ sinh, dễ sẩy thai, đẻ non. Trẻ sinh ra bị dị tật như: hở hàm ếch, u máu, u limpho, thần kinh chậm phát triển.

Khi nồng độ chì cao trong máu, gây phù não, phá hủy tế bào não, biểu hiện ra ngoài là co giật, hôn mê, sau đó tử vong. Nếu sống sót cũng để lại di chứng nặng nề.

Thuốc chữa ngộ độc chì

Sau khi loại thuốc chứa chì ra khỏi miệng và dạ dày nạn nhân dùng các loại thuốc tạo chelat với kim loại nặng (còn gọi là gắp kim loại nặng) như:

Dinatri calci edetat (được gọi là thuốc giải độc chì): Thuốc tiêm tạo phức với chì thành chất hòa tan để thải qua nước tiểu, làm giảm nồng độ chì trong máu và các nơi tích lũy chì ở cơ thể, làm mất toàn bộ độc tính và hoạt tính ion của chì. Hiệu lực: 1g thuốc sau khi tiêm tĩnh mạch thải được 3 - 5mg chì, bài tiết ra nước tiểu (bắt đầu trong vòng 1 giờ, đỉnh thải trừ trong khoảng 24 - 48 giờ) sau 2 giờ sẽ hết cơn đau bụng do chì. Chống chỉ định: Người bị bệnh thận nặng, đái ít, không đái được; người viêm gan. Thận trọng: khi dùng liều cao có thể gây hoại tử ống thận, có thể tử vong.

Thuốc kem bôi da (dinatri calci edetat 10%) điều trị tổn thương da với kim loại nặng.

Dimercaprol còn có tên là B.A.L, thuốc bổ trợ cho dinatri calci edetat trong ngộ độc chì cấp và mạn. Thuốc phải được dùng càng sớm càng tốt ngay sau khi tiếp xúc với kim loại nặng (chì, vàng, asen, thủy ngân). Sau khi tiêm, thuốc được phân bố vào các tổ chức trong cơ thể kể cả não, nồng độ cao nhất ở gan và thận, nồng độ đỉnh đạt 30 - 60 phút sau khi tiêm. Tác dụng xuất hiện sau 30 phút (người bệnh cảm nhận được mùi hăng của thuốc ở mũi) kéo dài 4 giờ (vì vậy cứ 3 - 4 giờ phải tiêm 1 lần để duy trì hiệu quả). Dimercaprol tạo phức với kim loại giải phóng trở lại nhóm SH tự do cho các enzym pyruvar - oxydase. Phức hợp dimedrol - kim loại nhanh chóng được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu (dimercaprol đặc biệt tốt khi giải độc chì cho trẻ em). Chống chỉ định: người bệnh thiếu hụt men gluco-6-phosphat dehydrogenase. Người bệnh suy gan.

Penicilamin là thuốc giải độc kim loại; tạo phức với chì thành chất hòa tan được để thải ra ngoài theo đường nước tiểu dưới dạng disulfit. Penicilamin hấp thụ tốt qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khi uống 2 giờ. Thời gian bán thải là 2 - 3 giờ. Chuyển hóa chủ yếu ở gan. Chất chuyển hóa đào thải theo nước tiểu và phân. Uống vào lúc đói (trước ăn 2 giờ hoặc sau ăn 3 giờ). Liệu trình 30 - 60 ngày. Chống chỉ định: Người mang thai (thuốc có thể gây dị tật thai nhi), bệnh Lupus ban đỏ toàn thân. Người dị ứng penicilamin.

Chì có mặt ở đâu?

Chì có trong các vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày như: đồ chơi trẻ em (các thứ có màu sặc sỡ như: bóng bay màu đỏ, nhựa màu đỏ, đồ chơi có pin,...); pin, ắc quy chì, lưới đánh cá, đạn chì; ống nước bằng chì ở nhà cổ; đồ hộp gắn bằng chì; cầu chì trong đồ điện; sơn màu đỏ, đồ trang sức phụ nữ như: bút kẻ mắt, son môi; kính chống nắng...

Chì có trong một số thuốc khoáng vật Đông y như hồng đơn (Pb3O4), Mật đà tăng (PbO)... Hồng đơn có nhiều tên khác như: duyên đơn, hoàng đơn, tùng đơn, châu đơn. Châu phấn, đơn phấn, duyên hoàng thường được các lang y chế thành thuốc bôi ngoài chữa tưa lưỡi, nhiệt miệng gọi là “thuốc cam dùng ngoài”.

Chì có trong xăng pha chì để giảm tiếng ồn và các ống xả của động cơ đốt trong dùng xăng pha chì; trong bồn chứa xăng pha chì; trong khói của động cơ dùng xăng pha chì (nay nhiều nước đã cấm dùng xăng pha chì); các cơ sở sửa chữa động cơ đốt trong, súc rửa tái chế bình ắc quy; tái chế hoặc sản xuất các sản phẩm chứa chì.

Chì có trong đất và nước ở các vùng có mỏ chì - thiếc đã và đang khai thác (chủ yếu là các tỉnh ở miền Bắc Việt Nam có nhiều mỏ chì, mỏ chì - thiếc đã khai thác từ thời thuộc Pháp như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang... Miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình... Miền Nam có Lâm Đồng,...) mỏ đang khai thác có nơi hàm lượng chì trong đất và nước cao gấp 2 - 3 lần ngưỡng cho phép.

DS. Trần Xuân Thuyết


Ý kiến của bạn