Hà Nội

Chưa nên làm điện hạt nhân ở Việt Nam

31-05-2022 14:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng điện gió, điện mặt trời chưa được phát huy hết, do vậy chưa cần thiết phải đầu tư vào điện hạt nhân với chi phí rất cao.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran hoạt động trở lạiNhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran hoạt động trở lại

SKĐS - Ngày 5/7, nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran thông báo đã hoạt động trở lại sau 2 tuần ngừng hoạt động do lỗi kỹ thuật.

Đầu tư lớn, nhiều rủi ro

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây vừa đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ở giai đoạn phát triển năng lượng tiếp theo. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội.

Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26. 

Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát.

Chưa nên làm điện hạt nhân ở Việt Nam - Ảnh 2.

Năm 2016, Quốc hội thống nhất dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng, nguyên cán bộ Bộ Công thương cho rằng, để đưa ra chủ trương về điện hạt nhân, cần trả lời thấu đáo 2 câu hỏi: Nếu làm, chúng ta có gì? Nếu không làm, chúng ta còn lựa chọn khác không? Điện hạt nhân được coi là sạch, không phát thải CO2. Phát triển điện hạt nhân sẽ tránh phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu và khí, cung cấp điện năng ổn định công suất lớn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy vậy, nhược điểm của điện hạt nhân vẫn là chủ đạo. Trước hết, chi phí rất đắt. Đó không chỉ là chi phí đầu tư (nếu làm, chúng ta hoàn toàn phải nhập khẩu công nghệ), mà sau đó chi phí xử lý môi trường đối với chất thải và đối với nhà máy đã hết hạn cũng cực lớn, không thua kém gì việc xây dựng nhà máy mới. Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp nhà máy hết hạn, chúng ta có thể chở thanh nhiên liệu cho bên sản xuất (bên bán) để họ xử lý, tuy nhiên, kể cả có vậy thì chi phí, cách thức vận chuyển cũng không đơn giản và rất tốn kém. 

Những điều này, nếu làm điện hạt nhân, cần phải tính đến ngay từ đầu, tức cộng cả chi phí xử lý môi trường vào chi phí đầu tư nhà máy, để tính toán giá điện hạt nhân có hợp lý không, có rẻ hơn so với các nguồn năng lượng sơ cấp khác không?

Về tính an toàn của nhà máy điện hạt nhân, dù công nghệ hiện nay bảo đảm an toàn cao song vẫn có rủi ro sự cố. Nếu sự cố xảy ra, không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nhà máy mà là cả một vùng rộng lớn và tác động trong nhiều năm, lên nhiều thế hệ.

"Xét tổng thể, tôi cho rằng, chúng ta không nên tính đến phát triển điện hạt nhân, ít nhất là từ nay đến năm 2035. Điều này dựa trên xu thế thời đại và tiềm năng sẵn có của Việt Nam. Về xu thế thời đại, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xu thế của thời đại là phát triển năng lượng mới - năng lượng tái tạo", TS Ngô Đức Lâm nói.

Tận dụng tiềm năng sẵn có về gió và nắng

Theo TS. Ngô Đức Lâm, nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Cụ thể, với điện mặt trời, tiềm năng khai thác ở Việt Nam khá lớn, nhất là ở khu vực duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long với năng lượng bức xạ mặt trời trong năm tương đối ổn định là 4 - 5kWh/m2/ngày. 

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.200km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam cũng vô cùng lớn.

Chưa nên làm điện hạt nhân ở Việt Nam - Ảnh 3.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời.

Theo ông Lâm, sở dĩ nhiều nước chọn làm điện hạt nhân còn bởi họ không có tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng khác. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều loại tài nguyên để phát điện hơn hẳn nhiều nước. 

Theo tính toán, đến năm 2050, nếu như hoàn toàn không dùng năng lượng khác, thì riêng tiềm năng gió, mặt trời đã đủ phát điện cho toàn quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ phát triển một loại các nhà máy điện gió, điện mặt trời, mà nên phát triển đa dạng, hài hòa giữa các nguồn năng lượng sơ cấp, bao gồm cả năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, khí, dầu, than…

Cùng quan điểm, GS. Phạm Duy Hiển, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, Việt Nam nên phát triển năng lượng khác dựa trên tiềm năng và lợi thế của mình. Nhờ dừng dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đã bứt phá lên trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu của cả nước. Đến nay, nhờ lợi thế có nguồn ánh sáng mặt trời rất ưu việt, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành nhiều trang trại điện mặt trời với tổng công suất hàng nghìn MW, và con số này còn lớn hơn nữa trong những năm tới. Những trang trại năng lượng gió cũng đang tiến đến công suất nghìn MW. Như vây, chỉ vài năm sau khi dừng dự án điện hạt nhân, năng lượng tái tạo của Ninh Thuận đang tiến rất gần đến mục tiêu 4000 MW điện hạt nhân vốn được dự kiến cho năm 2030.

Chuẩn bị kỹ trước khi khởi động lại

GS. Phạm Duy Hiển cho hay, trước 2016, Việt Nam đã có một kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận với bốn lò phản ứng công suất 4000MW và đưa vào vận hành trước năm 2030.

"Tôi đã nhiều lần nêu quan điểm không đồng tình với việc làm quá vội vàng này, lại không lường hết những rủi ro có thể xảy ra do trình độ phát triển của ta còn quá thấp so với yêu cầu của một công nghệ rất phức tạp như điện hạt nhân. Bảo đảm an toàn cho các lò phản ứng công suất lớn là việc không hề dễ dàng đối với các nước chưa phát triển. Về lâu dài, phóng xạ rất cao trong bã thải hạt nhân vẫn luôn là mối đe dọa", GS Hiển nói.

Điện hạt nhân với mức phát thải cacbon rất thấp, có thể xem là một trong số các giải pháp cho mục tiêu này, như một số nước tiên tiến đang xem xét. Nhưng mỗi nước một khác. Đối với Việt Nam, điện hạt nhân chưa thể xem là giải pháp cấp bách.

PGS.TS Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng xu thế phát triển điện hạt nhân là tất yếu, quan trọng là cân nhắc thời điểm hợp lý. Vấn đề hiện nay là phải xem xét các cơ sở hạ tầng cần thiết, trong đó có hạ tầng về an toàn, an ninh và bồi thường hạt nhân của chúng ta như thế nào và kế hoạch hoàn thiện ra sao thì mới biết khi nào mới nên tái khởi động dự án điện hạt nhân. Đặc biệt, phải có nhóm chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để phân tích, đánh giá đầy đủ.

Theo các chuyên gia, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng điện năng, chí ít ngang bằng với các nước ASEAN, chẳng những là giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính cơ bản nhất, mà còn góp phần làm lành mạnh nền công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tại phiên thảo luận hội trường ngày 30/5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành, nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm liên quan đến triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nhắc lại năm 2016, Quốc hội khóa XIV đã có chủ trương dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc kéo dài dự án đã gây nên những bất cập ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng Quốc hội cần giải quyết dứt điểm việc này, xóa bỏ quy hoạch dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Theo ông, Quốc hội nhiệm kỳ trước, Đảng, Nhà nước đã cân nhắc rất kỹ việc dừng dự án này. Vì vậy, bước tiếp theo phải tập trung giải quyết quyền lợi của người dân, cán bộ, kỹ sư đã được đào tạo, tạo quy hoạch mới cho Ninh Thuận, giúp chuyển động kinh tế địa phương.

Giải trình những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây là dự án tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ, nên sẽ không có cơ sở bỏ địa điểm xây dựng điện hạt nhân.

Xã biên giới có trường, trạm khang trang nhưng chưa có điện lưới Xã biên giới có trường, trạm khang trang nhưng chưa có điện lưới

SKĐS - Cái khó của việc phát triển kinh tế, văn hóa của bà con đồng bào Ma coong, Arem nơi xã biên Thượng Trạch , tỉnh Quảng Bình nằm ở việc thiếu đi điều kiện thiết yếu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hà Nội tiếp tục mưa lớn, cảnh báo 11 điểm đen ngập lụt


Tô Hội
Ý kiến của bạn