Cây gạo còn gọi bông gạo, mộc miên... là loại cây to cao tới 14-15m và hơn nữa, mọc hoang ở trong rừng, hoặc trồng ở ven đường lấy bóng mát, tại nhiều tỉnh miền Bắc. Lá kép chân vịt với 5-8 lá chét hình mác hay hình trứng, dài 9-15cm, rộng 4-5cm, sớm rụng. Hoa đỏ, nhiều, mọc trên những cànnh nhỏ trước khi có lá non; vào các tháng 3-5 hoa gạo nở rộ đỏ rực màu lửa báo hiệu mùa hè tới. Theo y học dân tộc và kinh nghiệm dân gian cây gạo cho các vị thuốc sau:
Hoa cây gạo (mộc miên hoa)
Vị đắng, chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng làm se, thu sáp, sát khuẩn, tiêu viêm, thông huyết. Người ta thường nhặt những hoa gạo mới rụng, còn nguyên vẹn chưa giập nát, đem về ngắt từng cánh hoa dùng tươi, hoặc phơi nắng nhẹ hay sấy nhỏ lửa cho khô để dùng dần.
Chữa mụn nhọt sưng tấy: Dùng hoa gạo tươi, giã nát, đắp vào nơi nhọt sưng, ngày làm 1-2 lần sẽ hết đau nhức, giảm sưng, mau khỏi.
Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Hoa gạo 20-30g thái mỏng, sao vàng, sắc với 2 bát nước còn nửa bát, chia làm 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể phối hợp với rau má (lượng bằng nhau) thái nhỏ, phơi khô, sắc như trên, khi uống có thể thêm ít đường, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Trong vỏ cây có chất nhày. Dân gian thường dùng vỏ tươi cây gạo đem giã nát, bó vào nơi gãy xương. Hoặc dùng 15-20g vỏ cây gạo sao vàng, sắc đặc làm thuốc uống cầm máu, thông tiểu tiện và dùng ngậm chữa đau răng.
Trong hạt gạo có 20-25% chất dầu đặc màu vàng. Phụ nữ sau khi sinh con, ít sữa, dùng 12-15g hạt gạo sắc uống làm cho ra sữa.
Tầm gửi cây gạo
Tầm gửi là loài cây bán ký sinh, có ở nhiều cây chủ (mít, bưởi, na, chanh...), trong nhân dân có nhiều người cho rằng tầm gửi cây gạo có công dụng giải nhiệt, điều hòa huyết áp và tốt cho người bệnh gan, thận... có nhiều người săn tìm mua làm thuốc.
BS. Vũ Nguyên Khiết