Sau bão lũ, nước ngập úng lâu ngày rút đi để lại môi trường thuận lợi cho sự phát triển của bệnh tật, nhất là bệnh ngoài da, trong đó, mẩn ngứa, ghẻ lở là phổ biến. Để chữa chứng bệnh khó chịu này, ta có thể tận dụng nguồn cây cỏ sẵn có trong thiên nhiên để bào chế những dạng thuốc đơn giản nhằm sử dụng kịp thời, tại chỗ mà vẫn đạt kết quả khả quan.
Nước sắc lá ba chạc: Hái một nắm lá to cả cành non cây ba chạc, khoảng 50-100g, để tươi, rửa sạch, đun sôi với 4-5 lít nước trong 30 phút đến 1 giờ. Đợi khi nước ấm, đem tắm, lấy bã xát mạnh vào các nốt ngứa ghẻ. Ngày làm một lần.
Cây ba chạc.
Lá cỏ lào, lá cúc tần, rễ bạch hoa xà cũng nấu và sử dụng như trên.
Cao lá cơi: Lấy 1kg lá cơi cả cành non, băm nát, nấu với 5-6 lít nước. Đun sôi liên tục trong 24 giờ. Vớt bỏ cành và lá, nước còn lại tiếp tục đun cho đến khi sánh đặc như cao.Khi dùng, lấy tăm bông sạch nhúng vào thuốc bôi lên tổn thương. Ngày làm hai lần.
Hạt, thân giã nhỏ, nấu thành cao đặc, rồi chế thuốc mỡ 10%, bôi cũng rất tốt.
Cồn thuốc chẽ ba: Chọn những đoạn thân cây chẽ ba có đường kính 1,5-2cm và mọc cách mặt đất 1-2cm. Chặt từng khúc 20-25cm, đặt lên bếp lửa cho cháy sém lớp bần bên ngoài. Cạo sạch lớp cháy sém, dùng dao róc lấy vỏ thân rồi tước thành sợi. Lấy 80-100g sợi thuốc cho vào chảo đã đốt nóng già, đảo đều trong 5-10 phút. Đổ cồn 70o vào cho xâm xấp, đảo tiếp trong 5-10 giây. Lấy thuốc ra, vò nát rồi xát vào nốt ghẻ ngứa. Ngày làm 2-3 lần trong 5 ngày liền. Thuốc không làm bẩn da, không gây kích ứng, lại có mùi thơm đặc biệt.
Cồn chiết từ 100g bột rễ cây cúc trừ trùng ngâm với 500ml cồn 80o hoặc cồn ngâm rễ bạch hoa xà với cồn 70o, bôi cũng có tác dụng tốt.
Dầu hạt máu chó: Hạt máu chó được thu hái ở quả chín, phơi khô. Khi dùng, đập vỡ vỏ hạt, lấy nhân. Đem nhân giã thật nhuyễn, thêm muối đã rang khô với tỷ lệ 10%, trộn đều. Đồ như đồ xôi, rồi ép nóng lấy dầu. Dầu hạt máu chó có màu đỏ sẫm, mùi hắc, rất sánh. Hoặc lấy 50g nhân hạt giã nhỏ, cho vào 200ml rượu 35-40o. Đun sôi nhỏ lửa cho bốc hơi rượu đến khi được một cắn sền sệt. Có thể chế đơn giản như sau: Lấy 10 hạt máu chó, đập vỡ vỏ ngoài lấy nhân, giã nhuyễn, trộn với 10-20ml dầu lạc, dầu vừng, dầu quả dọc hoặc mỡ lợn, đun sôi trong 10-15 phút, lọc, để nguội.
Quả máu chó.
Nếu dùng phối hợp thì lấy hạt máu chó với hạt củ đậu, củ nghệ (lượng mỗi thứ bằng nhau) và diêm sinh (bằng nửa lượng của mỗi vị trên), tán nhỏ mịn, hòa với dầu vừng hoặc mỡ lợn. Cách khác: Hạt máu chó với hạt củ đậu và quả bồ hòn hoặc nấu cao hạt máu chó với dầu thầu dầu, bột hoàng nàn và bột long não.
Khi dùng các dạng dầu nêu trên, cần bôi thật mỏng để tránh mưng loét. Nếu dùng dầu nguyên ép từ hạt, cũng phải pha loãng để không bị kích ứng mạnh.
Nhựa và tinh dầu thông: Tinh dầu được dùng nhiều hơn. Có thể cất tinh dầu từ lá, quả hoặc nhựa cây. Khi dùng, lấy tinh dầu hoặc nhựa bôi một lớp thật mỏng lên nốt ghẻ ngứa sau khi đã xát rửa sạch sẽ. Ngày bôi hai lần. Không bôi dày quá, vết thương dễ bị mưng to vì tính kích ứng gây phồng da của tinh dầu và nhựa thông, nhất là ở những chỗ da mỏng. Tính chất kích ứng của nhựa thông kém hơn 4 lần so với tinh dầu. Các nhà khoa học đã nghiên cứu thấy những người khai thác nhựa thông thường ít bị bệnh ngoài da do ảnh hưởng của hơi tinh dầu bốc lên từ nhựa.
DS. Hữu Bảo