Chữa lao hạch bằng ngoại trị liệu pháp của Ðông y

18-05-2012 07:19 | Y học cổ truyền

Trong Đông y, lao hạch thuộc phạm vi chứng “loa lịch” được trị liệu bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó ngoại trị liệu pháp, nghĩa là dùng thuốc tác động từ bên ngoài.

Trong Đông y, lao hạch thuộc phạm vi chứng “loa lịch” được trị liệu bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó ngoại trị liệu pháp, nghĩa là dùng thuốc tác động từ bên ngoài. Khó có thể kể hết các phương thuốc ngoại trị loa lịch của Đông y vì nó thường được lưu truyền rộng rãi trong dân gian tùy theo từng địa phương, từng vùng miền khác nhau. Dưới đây xin được giới thiệu một số ví dụ điển hình:

Phương 1: tiếp cốt thảo tươi 100g, bồ công anh tươi 100g. Hai vị đem rửa sạch, ép lấy nước uống, bã thuốc trộn đều với 100g bã đậu phụ, sao nóng rồi đắp lên hạch tổn thương, mỗi ngày 1 lần.

Phương 2: ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) lượng vừa đủ, hạt thầu dầu 100g. Ngân nhĩ rửa sạch bằng nước ấm, sấy khô tán bột; hạt thầu dầu bỏ vỏ nghiền nhuyễn trộn đều với bột ngân nhĩ, đựng vào lọ dùng dần. Khi dùng, sát trùng tổn thương rồi tùy theo diện tích to nhỏ mà lấy cao thuốc đắp lên trên, dùng băng cố định, cách ngày thay thuốc 1 lần.

 Hình ảnh lao hạch nổi trên bề mặt da.

Phương 3:

xương sơn dương 500g, rau đắng 200g, rượu trắng 37độ lượng vừa đủ. Xương sơn dương đốt thành than, tán thành bột mịn; rau đắng giã nát rồi trộn đều với bột xương sơn dương và rượu trắng thành cao thuốc, đắp lên vết thương.

Phương 4: hạ khô thảo 50g, miêu trảo thảo (cây vuốt mèo) 50g, ốc sên 20g, địa miết trùng 20g. Sắc hạ khô thảo và miêu trảo thảo lấy nước cô thành dạng cao đặc; địa miết trùng và ốc sên đem sao tồn tính, tán thành bột, hòa đều với cao thuốc, tẩm vào gạc sạch đắp lên tổn thương, 2 ngày thay thuốc 1 lần.

Phương 5: hạ khô thảo tươi 50g, ngõa lăng tử 10g, bồ công anh tươi 30g. Sắc hạ khô thảo và bồ công anh lấy nước bỏ bã, hòa với bột ngõa lăng tử thành dạng cao, bôi lên tổn thương, mỗi ngày 1 lần.

Phương 6: mộc miết tử 20g, khương hoàng 20g, bán hạ sống 20g. Các vị thuốc đem giã nát, trộn với giấm chua rồi đắp lên vị trí tổn thương, dùng băng cố định, mỗi ngày thay thuốc 1 lần, 15 lần là 1 liệu trình.

Phương 7: cành và lá cây thuốc lá 2.500g, hoàng đan 5g. Trước tiên đem cành và lá cây thuốc lá sắc với 3.250ml nước cô lại thành dạng cao lỏng rồi hòa đều với bột hoàng đan. Khi dùng, lấy lá cây thuốc lá tươi hơ lửa cho mềm, trải lên tổn thương rồi đặt cao thuốc lên trên, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Phương 8:

tổ ong lượng vừa đủ, giấm ăn một chút. Tổ ong đem sao tồn tính, tán thành bột mịn, hòa đều với giấm và xoa lên vùng tổn thương.

Phương 9: bán hạ chế 30g, bán chi liên 25g, bát giác liên 20g, tây thảo 15g, thất tinh thảo 20g. Các vị thuốc sấy khô rồi tán vụn đem ngâm rượu trong 1 tuần, dùng bôi lên tổn thương, mỗi ngày 3 lần.

Phương 10: tổ ong 1 cái sao tồn tính, huyết kiệt 3g, xạ hương 0,4g, sơn từ cô 6g, minh phàn 40g. Các vị đem sấy khô, tán bột, hòa với dầu vừng bôi lên tổn thương.

Phương 11: băng phiến 9g, đào nhân 40g, hạnh nhân 40g, tùng hương 120g. Tất cả sấy khô, tán bột, hòa với 500ml sữa người, cô nhỏ lửa thành dạng cao, bôi lên tổn thương cách ngày 1 lần.

Phương 12: tóc rối 30g, lòng đỏ trứng gà 250g. Tóc tán vụn hòa với lòng đỏ trứng gà rồi đem chưng lấy dầu bôi lên tổn thương, mỗi ngày 1 lần.

 Bồ công anh.

Phương 13:

long não 30g, hồng phấn 40g, tùng hương 60g, băng phiến 40g, sáp ong 60g, hoàng đan 500g, dầu vừng 100g. Trước tiên, đem long não, hồng phấn, băng phiến và dầu vừng đổ vào nồi đun nhỏ lửa cho đến khi nhỏ nước thành hạt tròn, bỏ bã, cho tiếp hoàng đan, sáp ong và tùng hương vào đun thêm 5 phút nữa là được. Khi dùng, rửa tổn thương bằng nước ấm rồi bôi cao thuốc, mỗi ngày thay thuốc 2 lần, liệu trình từ 1 - 2 tuần.

Phương 14: hoàng tinh 100g, hạ khô thảo tươi 200g. Hai vị thái nhỏ, sắc lấy nước rồi cô thành cao đặc. Khi dùng lấy một miếng gạc vô khuẩn tẩm cao thuốc rồi đắp lên tổn thương, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Phương 15: xạ hương 5g, chia làm 3 phần, mỗi ngày lấy 1 phần xoa lên tổn thương rồi băng lại.

Ngày nay, với các thế hệ kháng sinh chống lao đặc hiệu, vấn đề trị liệu lao hạch không còn nan giải. Tuy nhiên, các phương thuốc dân gian vẫn là những gợi ý rất hữu ích và thú vị cho các công trình nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra những chế phẩm trị liệu lao hạch có hiệu quả cao, an toàn và rẻ tiền.   

ThS. Hoàng Khánh Toàn


Ý kiến của bạn