Trải qua quá trình lịch sử tiến hóa hàng triệu năm, từ loài vượn di chuyển bằng bốn chân thành loài người đi bằng hai chân, giúp con người giải phóng hai tay để sử dụng được công cụ lao động hoặc thu hái hoa quả ở trên cao. Theo các nhà khoa học, sự tiến hóa đi bằng hai chân của loài người là bước tiến hóa then chốt cho sự phát triển của não bộ và các cơ quan trong cơ thể.
Tổ tiên của loài người đã trải qua rất nhiều biến đổi về giải phẫu học.Các chi dưới phát triển dài hơn, giúp chúng ta bước đi những bước dài và hiệu quả hơn.Ngón chân loài vượn dài và có thể cầm nắm để bám cành cây, nhưng ngón chân loài người ngắn hơn và xếp thẳng hàng để tạo ra lực đẩy ở cuối mỗi bước chân.Cấu trúc đặc biệt của cân gan chân ở bàn chân loài người, có tính cơ động cao (đi bộ, chạy, nhảy…), giúp giữ thăng bằng và chịu được sức nặng của cơ thể. Viêm cân gan chân (VCGC) hay còn được gọi là viêm lòng bàn chân, là một trong những nguyên nhân gây đau gót chân phổ biến nhất và ước tính ảnh hưởng đến khoảng hai triệu người ở Hoa Kỳ.
Bệnh VCGC thường gặp ở lứa tuổi trung niên hay những người trẻ hoạt động ở chân nhiều (chạy, nhảy, đi bộ…) như các vận động viên thể thao, người tập thể dục quá mức hay không đúng phương pháp… Chăm sóc tốt và điều trị tốt viêm lòng bàn chân, dáng đứng càng thẳng, cảm giác cân bằng khi di chuyển bao giờ cũng là khởi động tốt cho mọi sinh hoạt trong cuộc sống cũng như cuộc hành trình dài suốt 365 ngày tới của mỗi người chúng ta.
Tìm hiểu về viêm cân gan chân (plantar fasciitis)
Trong số các bệnh lý gây đau gót chân như nứt gót chân, viêm gân gót chân, viêm bao hoạt dịch gân gót… VCGC là nguyên nhân thường gặp.
Cân gan chân (plantar fascia) là một dãi mô phẳng (dây chằng) kết nối xương gót chân với xương ngón chân, có chức năng hỗ trợ vòm bàn chân chịu đựng sức nặng của cơ thể.Do tác động quá tải của trọng lượng hay một nguyên nhân nào khác, khiến cân gan chân bị suy yếu, sưng, đau… gây ra bệnh lý viêm cân gan chân.
VCGC có thể xảy ra ở một chân hay hai chân, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, gây ra cơn đau nhói ở những bước đi đầu tiên vào lúc thức dậy buổi sáng hay khi đứng hoặc ngồi lâu.
Nguyên nhân
- Người béo phì hay phụ nữ đang mang thai do trọng lượng cơ thể quá tải làm suy yếu cân gan chân.
- Biến chứng thường gặp của người mắc bệnh đái tháo đường.
- Do hoạt động quá sức (đi bộ, chạy nhảy…).
- Chân có cấu trúc vòm cao hay bàn chân bẹt.
- Giày mang không vừa vặn hay bị mòn…
Triệu chứng
- Cơn đau nhói đột ngột khi bước đi đầu tiên vào lúc thức dậy buổi sáng, rồi sau đó tình trạng thuyên giảm dần.
- Đau khi ngồi hay đứng lâu hoặc khi bước lên cầu thang.
Thuốc điều trị viêm cân gan chân
Các thuốc được sử dụng trong điều trị viêm cân gan chân, chủ yếu để làm giảm các cơn đau nhức ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Nhóm thuốc giảm đau: các thuốc giảm đau được sử dụng tùy theo mức độ đau. Trong trường hợp nhẹ, có thể giảm đau với các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin. Trong trường hợp nặng, có thể giảm đau với các thuốc giảm đau opioid như codein, tramadol…
Cần lưu ý
- Sử dụng các thuốc giảm đau với liều cao trong một thời gian dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như suy gan (paracetamol), viêm loét dạ dày - tá tràng (aspirin) hay nguy cơ nghiện thuốc (thuốc giảm đau opioid), nên cần phải tuân theo các chỉ định của thầy thuốc một cách chặt chẽ.
- Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen… có tác dụng kháng viêm và giảm đau, được sử dụng trong điều trị giảm đau do viêm cân gan chân gây ra.
- Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, betamethason…) có tác dụng kháng viêm và giảm đau nên được sử dụng trong điều trị giảm đau do viêm cân gan chân gây ra. Và thường được dùng ở dạng thuốc viên, trong trường hợp nặng có thể sử dụng ở dạng thuốc chích…
Cần lưu ý
- Thuốc kháng viêm non-steroid và thuốc corticosteroid khi sử dụng trong một thời gian dài có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng và các nguy cơ trên thận, tim mạch.
Bên cạnh việc dùng thuốc, cần áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như thay giày mới phù hợp với chân, tránh béo phì, tránh ngồi hay đứng nhiều, tập luyện theo hướng dẫn của các chuyên gia, mang dụng cụ hỗ trợ…