Chữa lang ben, thuốc gì?

13-09-2016 07:23 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Cháu 17 tuổi, gần đây ở vùng lưng và tay cháu nổi lên những vùng da nhạt màu, loang lổ có vảy mịn như phấn, ngày càng lan rộng, gây ngứa ngáy... Cháu thường phải mặc áo dài tay vì sợ bạn bè chê cười. Cháu bị bệnh gì vậy, thưa bác sĩ? Có thuốc gì chữa khỏi bệnh không ạ?

Nguyễn V.N (Hà Nội)

Theo thư cháu mô tả thì đó là những biểu hiện khá rõ của bệnh lang ben. Bệnh thường gặp ở người trẻ, ở các vùng khí hậu nóng, ẩm và lan nhanh từ vùng da này sang vùng da khác, lây nhiễm từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp qua khăn lau, quần áo, giường chiếu...Điều kiện thuận lợi để phát bệnh là làn da nóng ẩm do khí hậu, hoạt động thể lực, mặc quần áo bít kín, tiết nhiều mồ hôi nhờn, sự suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng cũng là những yếu tố làm bệnh dễ phát sinh. Tuy nhiên, để xác định chính xác bệnh cháu cần đi khám da liễu.

lang ben

Lang ben là bệnh nấm nông ngoài da, nguyên nhân do nấm Malassezia furfur gây bệnh. Tổn thương da do lang ben thường là các dát giảm sắc tố (trắng hơn da bình thường), đôi khi là các dát tăng sắc tố (sậm hơn da bình thường) hoặc dát hồng ban (vết hồng đỏ). Bề mặt các thương tổn có vảy mịn như phấn. Những vùng da bị che kín, tiết nhiều mồ hôi nhờn như giữa lưng, ngực, mạn sườn, bụng, mặt trong cánh tay, đùi, vùng mặt. Lang ben thường gây cảm giác châm chích khi nóng nực, ngứa ít hoặc không ngứa. Bệnh rất hay tái phát, nhất là khi không biết cách phòng ngừa và điều trị đúng.

Thuốc được dùng để điều trị bệnh lang ben gồm: thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống toàn thân.

Thuốc bôi gồm: dung dịch BSI (acid benzoic acid salicylic lod), ASA (acid acetylsalicylic, natri salicylat); kem, mỡ hoặc gel trong đó có chứa các loại thuốc kháng nấm như: ketoconazol, bifonazol, clotrimazol, econazol, miconazol...

Khi dùng thuốc bôi tại chỗ cần chú ý: Dung dịch ASA hoặc BSI có thể gây kích ứng da tại chỗ, gây bỏng da, lột da vì vậy không được bôi trên diện rộng, không nên bôi ở những vùng da mỏng, nhạy cảm. Không được để thuốc dính vào vùng niêm mạc và bán niêm mạc như mắt, miệng, sinh dục. Thuốc bôi dạng kem, mỡ thì cần bôi thuốc khi bề mặt da sạch, khô, không có mồ hôi. Bôi đều và để hở khoảng 30 phút rồi mới mặc áo để tránh thuốc dính vào quần áo, vừa lãng phí thuốc lại vừa mất tác dụng.

Thuốc uống toàn thân: Có thể sử dụng các loại thuốc kháng nấm nhóm imidazol (ketoconazol, itraconazol, fluconazol...), nhóm allylamin (terbinafin) và kháng sinh chống nấm griseofulvin.

Để điều trị lang ben hiệu quả cần kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi. Ðiều trị liên tục cho đến khi da lành, sau đó cần tiếp tục thoa ít nhất 2 tuần nữa để tránh tái phát. Nếu điều trị sau 4 tuần không có dấu hiệu cải thiện thì nên đi bác sĩ khám để được chẩn đoán kỹ hơn. Tuy nhiên, một số loại thuốc chống nấm đường uống có thể gây độc gan, vì vậy, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không dùng bừa bãi, bệnh sẽ lây lan nhanh và nhanh tái phát.

Chúc cháu nhanh khỏi bệnh!


DS. Ngô Hà Anh
Ý kiến của bạn