Chữa khỏi “hội chứng phụ thuộc toilet” sau... 3 ngày

21-12-2015 07:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hơn hai mươi năm ròng rã, chị Võ Thị B. M. (44 tuổi, Vĩnh Long) phải sống trong cảnh khốn khổ, dở khóc dở cười vì hội chứng “nghiện” nhà vệ sinh bởi mỗi ngày chị đi tiểu đến hơn 20 lần.

Hơn hai mươi năm ròng rã, chị Võ Thị B. M. (44 tuổi, Vĩnh Long) phải sống trong cảnh khốn khổ, dở khóc dở cười vì hội chứng “nghiện” nhà vệ sinh bởi mỗi ngày chị đi tiểu đến hơn 20 lần. Sau nhiều năm chữa trị nhưng bất thành, đến tháng 12/2015, chị M. may mắn được các bác sĩ Khoa Ngoại, BV Đại học Y Hà Nội chữa trị thành công chỉ sau... 3 ngày.

Suýt phải bỏ thai vì cơn buồn tiểu

Trò chuyện với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chị M. không giấu nổi sự vui mừng khi vừa trút bỏ được căn bệnh khó nói mà chị đã mang trong mình suốt 26 năm qua. Chị kể, năm 18 tuổi, chị bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thường xuyên có cảm giác tiểu đau, tiểu buốt, rát, thậm chí có những lần cơn đau quằn quại xuất hiện khiến chị bơ phờ, mệt mỏi. “Có bệnh thì vái tứ phương”, chị M. lặn lội đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, tìm đến rất nhiều cơ sở khám bệnh chữa trị cả Đông y, Tây y hết cả trăm triệu đồng nhưng kết quả chẳng mấy khả quan. Cũng có một vài lần, chị được các bác sĩ cho thuốc uống, bệnh tình có vẻ thuyên giảm nhưng chỉ một thời gian ngắn sau bệnh tái lại và kéo dài dai dẳng cho đến nay. Hàng ngày, chị M. phải “đánh vật” với hơn 20 lần ra vào nhà vệ sinh, điều này khiến mọi sinh hoạt, công việc, cuộc sống của chị đảo lộn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân M. trước khi xuất viện.       Ảnh: D.H

Đáng sợ nhất là năm chị 22 tuổi, khi đó chị mang thai bé thứ hai, chị lo sợ không dám nghĩ có thể giữ được mẹ tròn con vuông và chị cũng từng có ý định bỏ thai vì những cơn đau hành hạ. “Mang thai nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng, nhất là 3 tháng đầu tiên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà vác bụng ra vào toilet đã mệt người. Thèm ăn không dám ăn, đến uống nước cũng chỉ nhỏ giọt vì nếu nạp nước vào cơ thể thì cơn buồn tiểu càng tăng. Bản thân tôi cũng không đi làm được vì cứ di chuyển nhiều thì lại bị đau bụng, nhức khớp” - chị M. nhớ lại. May mắn thay, từ tháng thứ 6 trở đi, bỗng dưng cơn buồn tiểu của chị giảm đi một cách khó lý giải chỉ còn như người bình thường. Tuy nhiên, sau khi em bé khỏe mạnh chào đời, chị M. lại trở về tình cảnh đi tiểu nhiều như ban đầu, không những thế số lần đi tiểu còn tăng hơn trước.

Quá chán nản với tình cảnh hiện tại, chị M. đã có dự định sang nước ngoài chữa bệnh vì nghĩ y học trong nước đã bó tay. Thế nhưng, đang trong lúc tưởng như chết đuối thì vớ được phao, chị tình cờ đọc được thông tin các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội chữa khỏi bệnh cho một thanh niên cũng mắc chứng đi tiểu hàng chục lần như chị. Không chần chừ, chị đã lặn lội từ Vĩnh Long ra Hà Nội để được chữa trị và may mắn đã mỉm cười với chị.

Đừng ôm bệnh suốt đời

ThS.BS. Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại, BV Đại học Y Hà Nội - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân M. cho biết, bệnh nhân M. mắc hội chứng rối loạn tiểu tiện, hay còn gọi là “hội chứng phụ thuộc toilet”. Đây là một hội chứng lâm sàng phong phú với bệnh cảnh phải đi tiểu hay đi ngoài nhiều lần hoặc phải mất nhiều thời gian trong nhà vệ sinh. Hội chứng tuy không gây chết người nhưng gây tổn hại nghiêm trọng công việc, sinh hoạt,... và làm suy sụp tinh thần bệnh nhân.

“Điều trị cho ca bệnh này, chúng tôi đã tiến hành nong soi niệu đạo cho bệnh nhân, kết hợp với các biện pháp tập nhịn tiểu, tập phản xạ co thắt, tập cơ sàn chậu. Điều quan trọng nữa là tư vấn tâm lý cho bệnh nhân vì bệnh nhân này có biểu hiện rối loạn tâm lý nặng do bệnh kéo dài quá lâu mà chưa tìm ra cách chữa trị. Hai ngày điều trị đầu tiên, bệnh nhân phàn nàn, khó chịu vì quá đau đớn, tuy nhiên chỉ đến ngày thứ 3, tình trạng bệnh nhân cải thiện đáng kể và gần như bình thường. Nếu trước đây bệnh nhân tiểu buốt, tiểu đau, cứ khoảng mỗi tiếng một lần thì nay tiểu 3-4 tiếng mới đi một lần”- ThS. Liên cho biết.

BS. Mai Văn Lực, trợ lý của BS. Liên cũng cho biết, rối loạn tiểu tiện là bệnh tương đối phổ biến nhưng nhiều người chủ quan không đi khám mà cố gắng chịu đựng, chỉ khi quá nặng mới đến BV. Hoặc một số trường hợp không tìm đúng địa chỉ khám nên không phát hiện ra bệnh, các triệu chứng dễ bỏ qua. Những người mắc hội chứng rối loạn tiểu tiện thường có biểu hiện đi tiểu nhiều lần trong ngày, khi đi tiểu có cảm giác tiểu buốt, tiểu són, tiểu dắt. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã từng gặp những người đi tiểu trên 50 lần/ngày, thậm chí cá biệt có trường hợp đi tiểu gần 100 lần/ngày. Rối loạn tiểu tiện nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, bệnh nhân thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, khó chịu nhất là tiểu đêm không ngủ được gây mất ngủ trầm trọng kéo dài, công việc bị gián đoạn, mất tự tin trong cuộc sống...

Theo các bác sĩ, độ tuổi mắc hội chứng này cũng khá rộng từ lứa tuổi thanh thiếu niên 14-15 tuổi đến các cụ già cũng có thể mắc phải. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, muốn thoát khỏi sự hành hạ của “hội chứng phụ thuộc toilet”, người bệnh cần phải đến các trung tâm tiết niệu, đại trực tràng - hậu môn hay các nhà tiết niệu học, tiêu hóa mới giúp bệnh nhân vượt qua nỗi khổ không muốn tỏ cùng ai này. Không nên giấu bệnh hoặc tự ý điều trị, tự ý dùng thuốc để cắt cơn buồn tiểu vì dễ có biến chứng, gây ứ nước thận, suy thận, kéo dài thời gian điều trị mà không mang lại kết quả tốt.


Thảo My
Ý kiến của bạn