Chưa hết nỗi lo sốt xuất huyết, trẻ mắc bệnh hô hấp ùn ùn nhập viện

02-08-2017 06:30 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trong tổng số 2.500 - 3.000 trẻ đến BV Nhi Trung ương khám mỗi ngày, có rất nhiều bệnh nhi mắc bệnh lý về hô hấp như sốt virus, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.

Tại BV Nhi Trung ương, hiện, số trẻ đến khám vì các bệnh lý hô hấp cũng tăng rất nhanh so thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát khiến nhiều cha mẹ lo lắng.

BS. Trần Thị Thu Hương, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 177 ca sốt xuất huyết. Trong vòng 1 tháng gần đây, mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 20-30 ca/ngày. Về triệu chứng, cả hai bệnh sốt xuất và viêm não đều có triệu chứng sốt cao và có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Riêng sốt xuất huyết có triệu chứng kèm theo là đau nhức khá rõ, đau cơ, đau hốc mắt và biếng ăn. Bên cạnh đó là triệu chứng biếng ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng. Rõ hơn nữa là chảy máu răng và xuất huyết dưới da.

Ngoài ra, số trẻ tính đến ngày 30/7, viêm não có 239 ca, viêm não Nhật Bản 23 ca. Đối với viêm não Nhật Bản, ngoài sốt cao thì ảnh hưởng đến thần kinh khiến người bệnh lừ đừ, nhức đầu, nôn ói, co giật. Các triệu chứng này sẽ xảy ra trong 3 ngày đầu.

 

Tại BV E Trung ương, trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhi mắc các bệnh như sốt xuất huyết, virus, cúm, tiêu chảy do rotavirus… tăng đột biến. Theo TS.BS Lương Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho 30-40 trường hợp bệnh nhân nhi mắc các bệnh trên, có thời gian cao điểm một ngày 6 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết trong đêm.

Theo TS. Hiền, hiện nay, các bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc các bệnh cấp tính nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amidan, nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi.

"Đối với các bệnh nhi này, khi nhập viện thường là muộn, do gia đình không tự hạ nhiệt được nên mới phải nhập viện, lúc này các cháu sốt rất cao, có cháu đã bị co giật"- TS. Hiền cho biết.

Tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, các bác sĩ cũng cho biết, mấy ngày gần đây, số trẻ đến khám tăng đột biến. Mỗi ngày có khoảng 500 cháu đến khám, trong đó quá nửa là số trẻ mắc bệnh hô hấp. Đa phần trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do thời tiết miền Bắc nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho virus xâm nhập. Trong khi đó, cơ thể trẻ rất khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột này. Ngoài ra, lúc thời tiết nóng, trẻ ra vào đột ngột trong điều hòa cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm nào cũng vậy, tháng 7, 8 luôn là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp. Trẻ ho, sốt vào viện khám rất nhiều, đặc biệt là sốt virus.

Các bác sĩ phải phân loại trẻ rất kỹ, chỉ những trẻ viêm tiểu phế quản, viêm phổi có suy hô hấp mới chỉ định nhập viện để tránh quá tải, còn các bệnh hô hấp khác đều điều trị ngoại trú. Không ít trường hợp, có trẻ vừa điều trị viêm phổi 1 tuần, đang chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi.

Nhiều trẻ bị viêm phổi, điều trị gần được ra viện lại sốt virus hoặc mắc kèm bệnh viêm đường hô hấp trên nên kéo dài thời gian nằm viện.

 

Tránh sai lầm thường gặp khi chăm trẻ

Đa số cha mẹ có thói quen rửa nước muối sinh lý hàng ngày cho trẻ, thậm chí lạm dụng nhiều lần trong ngày. Về vấn đề này, PGS. Dũng khuyến cáo, nếu trẻ không có biểu hiện về bệnh, phụ huynh không cần nhỏ nước muối suốt. Bởi bình thường mũi đã có cơ chế tự làm sạch. Nhưng với trẻ đang bị viêm mũi, dùng nước muối biển để xịt là một biện pháp trợ giúp mũi đẩy sạch vi khuẩn khỏi mũi họng và với trẻ chưa biết xì mũi. cần dùng hút mũi 2 đầu để hút dịch mũi ra.

Chuyên gia cũng cảnh báo phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng như bệnh viện sẽ trở thành ổ nhiễm khuẩn khiến bé ốm. Bên cạnh đó khí dung có thể gây những phản ứng bất ngờ khiến bé ngừng thở.

Các chuyên gia khuyên cha mẹ cần phải cho trẻ ăn thêm 1 bữa so với bình thường sau mỗi đợt ốm để nhanh chóng lấy lại cân nặng như bình thường. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường rau xanh và hoa quả…

 

Bộ Y tế cho biết, 7 tháng đầu năm đã có 416 trường hợp mắc viêm não vi rút, có 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 số mắc giảm 16,9%, tử vong tăng 02 trường hợp (501/11).

Bệnh viêm não Nhật Bản: 91 trường hợp được xác định phòng xét nghiệm trong tổng số 109 trường hợp nghi mắc, có 03 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (83/0) số mắc tăng 08 trường hợp, tử vong tăng 03 trường hợp.

Bệnh ho gà: 288 trường hợp chẩn đoán xác định trong tổng số 459 trường hợp nghi mắc, 05 trường hợp tử vong. Các trường hợp nghi mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc 82% (375 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2016 (125/1), số trường hợp mắc tăng 167,2%, tử vong tăng 04 trường hợp.

Bệnh sởi: 43 trường hợp xác định phòng xét nghiệm trong tổng số 205 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (387/0), số trường hợp mắc giảm 47%.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu: 22 trường hợp mắc, 03 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (26/4), số mắc giảm 04 trường hợp, tử vong giảm 01 trường hợp.

Đặc biệt dịch SXH diễn biến phức tạp 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016 (44.859/14), số trường hợp nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng 03 trường hợp.

Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

D.Hải
Ý kiến của bạn
Tags: