Hà Nội

Chữa hen theo “lời mách bảo” - Nguy!

17-04-2014 21:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học toàn quốc của BV Bạch Mai trong hai năm 2010 – 2011 cho thấy, tỷ lệ mắc hen phế quản (HPQ) ở nước ta là khoảng 4 triệu người. Đây là bệnh lý hô hấp thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi

Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học toàn quốc của BV Bạch Mai trong hai năm 2010 – 2011 cho thấy, tỷ lệ mắc hen phế quản (HPQ) ở nước ta là khoảng 4 triệu người. Đây là bệnh lý hô hấp thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, sự hiểu biết cũng như tiếp cận với phương pháp điều trị HPQ mới vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng lo ngại, nhiều người dân thay vì tìm đến thầy thuốc lại tin vào những lời đồn thổi và của một số lang băm thổi phồng về “tài năng” chữa bệnh.

Chữa hen bằng truyền miệng - Tiền mất, bệnh vẫn mang

Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng vừa cấp cứu cho bệnh nhân Vũ Thị Cẩn (54 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện được 2 ngày. Bà Cẩn cho biết: “Xuất phát từ những triệu chứng cảm cúm, ho cách đây 4 năm, tôi đã chữa ở nhiều nơi nhưng chỉ đỡ được một thời gian. Mới đây, nghe mách nước của người quen, tôi lấy thuốc của một bà lang cũng ở Thanh Hóa. Quả thực, uống thuốc và tiêm vài lần tôi cũng thấy đỡ nhưng người lại cứ béo lên trong khi tôi còn ăn ít hơn bình thường. Những cơn khó thở, tức ngực bắt đầu quay trở lại với tần suất nhiều hơn. Gia đình đưa tôi lên Bệnh viện Bạch Mai khám, lúc này tôi mới biết mình bị hen. Các bác sĩ còn giải thích, sở dĩ từ khi chữa thuốc bà lang thấy đỡ vì trong thuốc gói, họ đã trộn corticoid - một loại thuốc có khả năng chống viêm, chống dị ứng rất nhanh nhưng nếu lạm dụng sẽ khiến cơ thể giữ nước. Vì thế, bệnh không khỏi mà người tôi lại béo ú ra. Đúng là tiền mất, tật mang”. Cá biệt hơn, có bệnh nhân nữ quê ở Thái Bình bị mắc hen đã lâu, nhưng không đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và chữa trị đúng cách, khi có người rỉ tai là ăn nhau thai mèo đen mới đẻ. Chị đã xin bằng được ăn loại “thuốc đặc biệt” này. Kết quả là bệnh HPQ chưa thấy khỏi nhưng người nhà đã phải nhanh chóng đưa chị vào bệnh viện cấp cứu!

Một bệnh nhân hen bỗng dưng béo mập vì chữa thuốc thầy lang.

Một bệnh nhân hen bỗng dưng béo mập vì chữa thuốc thầy lang.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, thời gian qua, trung tâm đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị HPQ vào cấp cứu vì tự chữa bệnh bằng cách nghe theo những lời mách bảo, đồn đại. Có bệnh nhân nuốt giun đất, mật cá để chữa hen. Món mật “ưa thích” nhất của nhiều bệnh nhân là mật cá trắm, mật lợn, mật gấu và rượu rắn... Đã có không ít người phải nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc hàng tuần để thải độc, thậm chí đã có nhiều người tử vong vì ngộ độc mật cá trắm. Mật cá trắm gây suy gan, suy thận, khi thận suy sẽ bị ứ nước trong cơ thể, bệnh nhân có thể tử vong vì phù phổi cấp. Mặc dù chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định uống mật cá trắm sẽ chữa được bệnh HPQ, thế nhưng nhiều người còn quan niệm, con cá càng to, mật càng lớn thì nuốt càng tốt, trong khi đó thì lượng độc chất từ mật càng lớn, người bệnh lại càng bị độc nặng hơn. Mật cá nuốt vào có nồng độ đậm đặc khiến cơ thể nhiễm độc, đó là chưa kể đến mật cá bị nhiễm khuẩn thì đây là còn đường vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Bên cạnh những bệnh nhân chữa bệnh bằng cách nghe mách thì tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân ở các tỉnh chuyển về do sử dụng thuốc của các thầy lang vườn. Kết quả kiểm tra các gói thuốc từ các thầy lang mà bệnh nhân mang đến cho thấy, những gói thuốc này có trộn tân dược corticoid. Mặc dù điều trị HPQ cơ bản là thuốc cắt cơn dạng xịt có corticoid nhưng hàm lượng thấp và dùng theo lịch trình giảm dần sẽ không gây hại. Nhưng với những gói thuốc nam, việc điều chỉnh giảm liều thì không biết các thầy lang sẽ điều chỉnh bằng cách nào? Mặt khác, chữa hen ở giai đoạn đầu nhẹ, nếu dùng cortioid nhiều dẫn đến những tai biến có hại như đái tháo đường, loãng xương...

Giấu bệnh, khó kiểm soát bệnh hen

GS.TS. Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, trong khoảng 4 triệu người Việt Nam bị HPQ, mới chỉ có khoảng 40% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh, tức là được tiếp cận với phác đồ điều trị bệnh hen mới bằng phương pháp sử dụng thuốc dạng xịt điều chỉnh giảm liều nhằm kiểm soát cơn hen và dự phòng tái phát. Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia y tế, để điều trị bệnh hen theo phác đồ mới, các bác sĩ cũng gặp không ít khó khăn bởi những nguyên nhân như: Người bệnh không muốn công nhận mình bị bệnh, thường giấu giếm và tìm cách đi chữa bệnh ở các thầy lang, chữa bệnh theo tin đồn mà không đến các cơ sở y tế uy tín để được phát hiện và điều trị sớm. Bên cạnh đó, một số người mắc hen điều trị trong 1 tháng hay một thời gian thấy đỡ thì tưởng là khỏi nên đã ngừng dùng thuốc vì sợ dùng thuốc nhiều sẽ ảnh hưởng đến cơ thể... Trên thực tế đã chứng minh, với phác đồ điều trị mới trong bệnh hen thì khoảng 5% người bệnh hen bình thường trở lại, trong đó có khoảng 40% bệnh nhân hen được kiểm soát tốt.

Theo một nghiên cứu mới nhất về kinh tế y tế trên những bệnh nhân hen cho thấy, bệnh nhân hen không được theo dõi, điều trị đúng cách sẽ tăng chi phí điều trị lên 2,6 lần (khoảng 16,5 triệu đồng/năm) so với việc điều trị đúng quy trình theo khuyến cáo của chiến lược hen toàn cầu - GINA kết hợp với dự phòng (6,3 triệu đồng/năm).

Theo đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn khuyên người bệnh, để điều trị bệnh hen hiệu quả, giảm tần suất xuất hiện các cơn khó thở (đến mức không còn triệu chứng hen), ngoài việc dùng thuốc, việc kiểm soát, dự phòng hen là rất cần thiết. Để tự kiểm soát tốt bệnh hen, quan trọng nhất là người bệnh phải để ý môi trường sống xung quanh. Cần tránh xa các dị nguyên có thể gây khởi phát cơn hen như phấn hoa, lông súc vật, bụi nhà, nấm nốc... Ngoài ra, người bệnh cần phải sử dụng thuốc dự phòng hàng ngày đúng cách theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn. Dù không bị lên cơn hen nữa vẫn phải được khám theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng thấy hết triệu chứng là tự dừng thuốc, không tái khám. Việc không dự phòng đúng, người bệnh có thể lên cơn hen bất cứ lúc nào, có thể nguy kịch đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Hen là bệnh có thể chữa khỏi nếu được sử dụng đúng thuốc, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là khi người bệnh tránh được những yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các con vật nuôi trong nhà như chó - mèo - chim cảnh, phấn hoa, khói thuốc lá, nấm mốc...

Nguyễn Tuệ

 


Ý kiến của bạn