Chữa hen bằng xông mũi, dùng mật mèo đen, coi chừng mất mạng và 5 sai lầm người bệnh hen suyễn hay mắc phải

01-07-2023 06:44 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hen suyễn là căn bệnh mạn tính, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Để kiểm soát bệnh hiệu quả, người bệnh hen suyễn cần đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ…

ThS. BS. Võ Thị Kim Tương, Khoa Hô hấp - Dị ứng, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, trên thực tế nhiều bệnh nhân có xu hướng lơ là điều trị sau một vài năm điều trị bệnh hen suyễn. Do đó, khi điều trị tại nhà, người bệnh hen suyễn thường mắc một số sai lầm sau đây khiến bệnh trở nặng.‏

‏1. Tự ý dừng thuốc điều trị mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ‏

‏Người bệnh hen suyễn có thể lầm tưởng rằng bệnh đã hết khi không còn cảm giác mệt mỏi, khó thở. Điều này khiến không ít người bệnh chủ quan, tự ý bỏ thuốc điều trị và không tái khám với bác sĩ.

‏"Đây là một sai lầm vô cùng nguy hiểm, bởi nếu bệnh nhân chẳng may tiếp xúc với một tác nhân kích thích, chẳng hạn như phấn hoa, bụi nhà, lông mèo… cơn hen có thể tái phát mà không kịp trở tay", ThS. BS. Võ Thị Kim Tương cho biết.‏

‏2. Tự điều trị hen bằng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng‏

‏‏Một số người bệnh tự ý bỏ thuốc tây và điều trị hen bằng thuốc nam, dùng các loại thuốc lá xông mũi, chữa hen bằng mật mèo đen… Ban đầu, các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm rất nhanh, người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hơn.‏

‏Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, người bệnh có thể lệ thuộc vào thuốc, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng gặp phải tác dụng phụ khôn lường do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc.‏

‏Theo đó, những tác dụng phụ điển hình người bệnh gặp phải là hội chứng giả Cushing, suy thượng thận, viêm dạ dày, loãng xương. Nguyên nhân là do các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc có thể chứa thành phần corticoid.

ThS. BS. Võ Thị Kim Tương, Khoa Hô hấp - Dị ứng, Bệnh viện Hữu nghị cảnh báo tác dụng hại khi người bệnh tự ý bỏ thuốc tây, sử dụng thuốc nam điều trị hen suyễn.

‏3. Tự ý điều chỉnh liều khi các triệu chứng thuyên giảm‏

‏Khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm, nhiều người bệnh tự ý giảm liều thuốc vì cho rằng việc sử dụng thuốc kéo dài có thể gây nhờn thuốc, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây tác dụng không mong muốn. ‏

‏Tuy nhiên, người bệnh cần nhớ, điều trị hen cần duy trì sử dụng thuốc để bệnh ổn định. Tự ý điều chỉnh thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ có thể khiến bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn trong điều trị sau này.‏

photo-1688008726466

‏Để kiểm soát bệnh hiệu quả, người bệnh hen suyễn cần đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.‏

‏4. Dùng bình xịt không đúng cách‏

‏Khi sử dụng bình xịt không đúng cách, người bệnh cảm thấy bệnh không tiến triển, đồng thời có thể gây ra một số tác dụng phụ ở vùng họng như khàn tiếng, nhiễm nấm họng do lắng đọng thuốc vùng hầu họng…

Do đó, người bệnh cần sử dụng đúng cách bình xịt theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp bất kỳ vấn đề gì, cần liên hệ ngay với bác sĩ để hỗ trợ, giải đáp.‏

‏5. Dùng chung bình xịt trị hen với người khác‏

‏ThS. BS. Võ Thị Kim Tương cho biết, do bệnh hen suyễn thường liên quan đến yếu tố di truyền, nhiều gia đình không chỉ có một mà còn có thể có nhiều người cùng mắc căn bệnh này. Điều này dẫn đến thói quen dùng chung bình xịt với người thân. ‏

‏Tuy nhiên, bình xịt hen cần được coi là một đồ dùng cá nhân, không dùng chung với người khác. Bởi khi sử dụng, người bệnh cần ngậm ống xịt bằng miệng, nếu dùng chung có thể làm lây truyền mầm bệnh từ người này sang người khác. Do đó, không nên dùng chung bình xịt hen, đồng thời chú ý vệ sinh ống ngậm theo hướng dẫn để tránh đọng lại chất bẩn hoặc thuốc ở bên trong.‏

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Sau Covid-19, thế giới tiếp tục phải đối mặt với đại dịch nguy hiểm khác.

Minh Tâm
Ý kiến của bạn