Hà Nội

Chùa Giác Viên - di sản cấp quốc gia ngoi ngóp trong nước thải

23-08-2014 07:29 | Thời sự
google news

Chùa Giác Viên là một ngôi cổ tự tại TP. Hồ Chí Minh được Bộ VH – TT công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

Chùa Giác Viên (TP HCM), là di sản lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nhưng hiện tại vẫn chưa có sư trụ trì suốt 1 năm qua, chùa luôn trong tình trạng ngập ngụa nước thải sau mỗi cơn mưa.

Di tích lịch sử ngập trong nước… thải

Chùa Giác Viên (còn có tên là chùa Hố Đất) là một ngôi cổ tự tại TP. Hồ Chí Minh được Bộ VH – TT công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

Chánh điện chùa Giác Viên - những tượng Phật buồn. Ảnh: Tạp chí văn hóa nghệ thuật.
Chánh điện chùa Giác Viên - những tượng Phật buồn. Ảnh: Tạp chí văn hóa nghệ thuật.

Tuy kế hoạch sửa chữa chùa cho xứng với tầm vóc di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đã được phê duyệt từ lâu. Nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy.

Đại Đức Thích Pháp Thiện, người tu tập tại chùa từ năm 1999 đến nay, hiện đang phụ trách cùng với Đại Đức Thích Huệ Thạnh quán xuyến nội tự, cho biết có một cây mai phía trước chùa năm trước hư gốc, muốn đốn bỏ nhưng cũng phải xin phép. Và đến bây giờ cây mai ấy đã chết khô nhưng vẫn phải treo cành để giữa nguyên hiện trạng.

Tây Lang cũng chìm trong làn nước thối inh. Ảnh: Võ Anh Tuấn.
Tây Lang cũng chìm trong làn nước thối inh. Ảnh: Võ Anh Tuấn.

Khi PV có mặt tại đây, dù cơn mưa đã diễn ra ngày hôm trước nhưng cả Đông Lang lẫn Tây Lang của chùa vẫn còn ngập trong làn nước đen ngòm, hôi thối do nước từ hệ thống cống thải và từ kênh rạch cầu mé hướng Tân Hóa gần đó dội lên.

3.	Nước thải từ công viên văn hóa Đầm Sen đổ sang chùa. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Nước thải từ công viên văn hóa Đầm Sen đổ sang chùa. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Bàn tiếp khách được đặt gần chánh điện nhưng quý thầy luôn luôn phải nhắc nhở khách chú ý kẻo nước mưa giột xuống ướt tài liệu và máy móc thiết bị.

Một số doanh nhân là Phật tử, có gửi hài cốt người thân tại chùa hiện tại rất không yên lòng. “Chùa trước kia khang trang, không khí trong lành. Tôi đã quyết định gửi hài cốt song thân mình ở chùa. Nhưng với tình cảnh như hiện tại, mặc dù luôn được các sư thầy trấn an nhưng tôi rất không an lòng” – một doanh nhân – phật tử cho biết.

Suốt 1 năm không có sư trụ trì

Trước khi viên tịch, sư trụ trì Huệ Viên chỉ để lại di ngôn truyền thừa chứ không để lại di chúc bằng văn bản, theo đó, cố lão hòa thượng Huệ Viên truyền thừa lại cho hòa thượng Thích Thiện Xuân là em ruột của Ngài tiếp quản vị trí trụ trì.

Chùa Giác Viên theo Lục Hòa tăng nên việc không truyền thừa cho người ngoài là hợp với Tông phong Tổ Đình.

Tiếc là, hòa thượng Thích Thiện Xuân hiện tại lại đang sinh hoạt ở tổ đình Thạnh Hòa vị trí là Viện Chủ, xã Đông Thạnh (Cần Giuộc – Long An).

Nghĩa là vị hòa thượng này đang thuộc sự quản lý của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Long An. Theo “Nội quy Ban Tăng Sự Trung Ương” hiện hành thì muốn bổ nhiệm hòa thượng Thích Thiện Xuân vào vị trí trụ trì thì phải có sự trao đổi nhất trí giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN với Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An và TP HCM cùng các cơ quan chức năng chính quyền Tỉnh/Thành phố cả hai nơi.

Việc này thì không dễ đối với với chư tăng hiện tại của chùa Giác Viên.

Hiện tại, chư tăng chùa Giác Viên rất mong nhận sự hỗ trợ, nhất trí từ các bên để bổ nhiệm Hòa Thượng Thích Thiện Xuân vào vị trí trụ trì để sớm được ổn định và tiến hành cải tạo, nâng cấp sửa chữa chùa nhằm đảm bảo an sinh tốt Đời đẹp Đạo.

Theo Gia đình Việt Nam


Ý kiến của bạn