Đau cổ vai gáy là tình trạng có thể xảy ra với bất kì ai, ở bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt là những người làm công sở, người lao động nặng, người bị thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa cột sống.
Tuy không phải loại bệnh nghiêm trọng nhưng tình trạng những cơn đau âm ỉ hoặc có thể là dữ dội ở cổ, sau gáy và hai bả vai, hay lan rộng lên thái dương hoặc lan xuống cánh tay khiến người bị triệu chứng này rất khó chịu, gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng sống.
Bấm huyệt đã được đánh giá là một phương pháp hiệu quả giúp làm giảm đau nhức mà không sử dụng thuốc từ ngàn xưa. Phương pháp này hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trong điều trị và làm giảm đau nhức cơ, xương, khớp...
GS. TS. Lê Gia Vinh - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam – cho biết: " Đau cổ vai gáy là những hiện tượng mỏi mệt về sinh lý, xuất phát từ việc phải ở lâu trong một tư thế gò bó, không thoải mái. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì từ mỏi mệt sinh lý sẽ dẫn đến những triệu chứng bệnh lý ảnh hưởng lớn đến sức khỏe".
Do đó, cần điều trị triệt để, kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh.
Bấm huyệt được sử dụng nhiều trong điều trị đau cổ vai gáy
Cũng theo GS. TS. Lê Gia Vinh, có nhiều phương pháp chữa trị đau cổ vai gáy, trong đó, bấm huyệt là phương pháp được lựa chọn sử dụng nhiều.
Bấm huyệt là phương pháp sử dụng lực từ ngón tay, bàn tay tác động đến huyệt vị nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giải ứ trệ, giúp khí huyết lưu thông mạch lạc, giảm đau nhức và tê cứng khớp.
Về cơ bản, bấm huyệt chữa đau cổ vai gáy là phương pháp y học cổ truyền, sử dụng các ngoại lực tác động để tăng cường lưu thông máu và giảm đau.
Đau cổ vai gáy được chia thành hai loại cấp tính và mạn tính, với các nguyên nhân khác nhau. Đối với mỗi nguyên nhân, sẽ có cách thức điều trị riêng.
Phương pháp bấm huyệt điều trị tận gốc căn nguyên của bệnh, loại trừ các tà thấp xâm nhập vào cơ thể, đả thông khí huyết giúp giảm đau, giảm ê buốt và phục hồi chức năng xương khớp.
Phương pháp này cũng có thể hỗ trợ thư giãn, chống co thắt cơ bắp và hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng đến cổ-vai-gáy.
Cụ thể, trong y học cổ truyền, đau vai gáy được xếp vào chứng tý, do cơ thể bị nhiễm phong, hàn, thấp nhiệt, khí huyết ứ trệ gây tổn thương kinh lạc, dẫn đến đau nhức mỏi cổ vai gáy.
Để điều trị, cần hóa giải phong hàn, cung cấp máu toàn bộ cơ thể, lưu thông kinh lạc khí huyết. Do đó, khắc phục, chữa trị đau cổ vai gáy bằng bấm huyệt giúp cải thiện tình trạng bệnh một cách nhanh chóng: Chống co thắt cơ giúp bạn giảm đau; tăng tuần hoàn máu; tăng cường chuyển hóa, chống sưng, phù, nề; giãn cơ.
Bấm huyệt tác dụng vào các huyệt đạo trên cổ, vai, gáy giúp người bệnh loại bỏ hoàn toàn cơn đau.
Bấm huyệt chữa đau cổ vai gáy
Thông thường, trước khi bấm huyệt, cần tiến hành xoa bóp giúp giảm đau cho người bệnh. Sau đó tùy thể trạng người bệnh để quyết định sẽ kết hợp điều trị cùng châm cứu hay chỉ cần bấm huyệt.
Phương pháp bấm huyệt đòi hỏi sự chính xác và sự uyển chuyển rất cao của bác sĩ, bởi điều quan trọng nhất ở phương pháp này chính là xác định đúng huyệt đạo. Theo đó, đối với đau cổ vai gáy, bác sĩ sẽ tác động mạnh và sâu đến các huyệt đạo bị tổn thương. Một số huyệt cơ bản nhất là:
Huyệt phong trì nằm ở lõm sau tai: Bấm huyệt này giúp giảm đau và một số triệu chứng ù tai, hoa mắt, đau đầu;
Huyệt đại chùy nằm dưới xương to ở cổ: Thao tác bấm huyệt này giúp giảm đau, giảm tê cứng vùng cổ và vùng gáy;
Huyệt đốc du nằm cách khe đốt sống lưng D6 và D7 khoảng 3cm.
Ngoài ra, có các huyệt khác như Kiên trung du, A thị huyệt, Lạc chẩm, Liệt khuyết giúp giảm đau cổ vai gáy hiệu quả và người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà. Đối với mỗi huyệt, cách bấm cụ thể lại khác nhau và cần thao tác 3-4 lần cho mỗi huyệt.
"Tuy nhiên, nếu không thể xác định vị trí của huyệt thì không nên thao tác vì có thể gây tổn thương, bầm tím, đau do bị tác dụng lực hoặc bị căng cơ" - BS. Đạt cho biết thêm.
Quá trình điều trị đau cổ vai gáy bằng phương pháp bấm huyệt cần thực hiện đều đặn, liên tục và cần tham khảo, xin hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ nếu người bệnh tuổi cao hoặc mắc các bệnh cần hạn chế việc tác động lực lên cơ thể.
BS. Tuấn Đạt cũng đưa ra lời khuyên: "Nên tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng phần cổ vai gáy. Hoặc người bệnh cũng có thể chườm nóng với ngải cứu rang muối cũng hỗ trợ giảm đau".
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trung tâm 'Hy vọng' - Lắng đọng những yêu thương