Chưa công bố dịch sởi, vì sao?

18-04-2014 11:32 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước luồng ý kiến cho rằng tình hình dịch bệnh sởi lan rộng nhưng Bộ Y tế vẫn không công bố dịch,

Trước luồng ý kiến cho rằng tình hình dịch bệnh sởi lan rộng nhưng Bộ Y tế vẫn không công bố dịch, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi và ghi lại ý kiến các chuyên gia và cơ quan quản lý xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại BV Nhi Trung ương.          Ảnh: PV

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Công bố dịch phải phụ thuộc vào thực tế và quy định

Hiện nay, việc công bố dịch thực hiện theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch. Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương. Hiện nay, các địa phương thấy rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao.

Việc Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi không có nghĩa là không triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân. Thực tế, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cùng với các địa phương đã tập trung cao độ, huy động các nguồn lực vào công tác phòng chống bệnh sởi. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm vaccin sởi và quyết tâm hoàn thành trong tháng 4/2014. Các đơn vị y tế cũng đã tập trung hết sức lực làm việc liên tục để điều tra, giám sát nhằm xử lý triệt để các ổ dịch. Đến nay, một số tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang... trước đây có số mắc sởi cao tại một số xã nay đã giảm mạnh, chỉ còn ghi nhận một vài ca lẻ tẻ hoặc không còn ghi nhận ca bệnh.

Dịch bệnh luôn có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng thời tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vaccin sởi nhằm kiểm soát bệnh sởi trên toàn quốc.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Nguyễn Thị Bích Ngọc:  Hà Nội chưa đủ điều kiện công bố dịch sởi

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 16/4, thành phố có 1.052 ca mắc sởi, trong đó có 14 ca tử vong vì sởi. Tất cả quận, huyện và Sở Y tế đã cùng phân tích trong số 1.052 ca mắc sởi hiện nay có tới 88,3% là chưa tiêm phòng sởi. Nguyên nhân được xác định là do gia đình không đưa con đến tiêm phòng và do tiêm chưa đủ mũi theo quy định. Hiện Hà Nội đã thống kê vẫn còn khoảng 1.000 trường hợp chưa tiêm phòng, vì vậy UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu trước ngày 20/4 từng quận, huyện phải tổ chức tiêm phòng vét cho triệt để.

Về việc Hà Nội chưa công bố dịch sởi? Bà Ngọc cho biết, hiện 14 trường hợp tử vong vì sởi của Hà Nội đều được nắm chi tiết. Còn để công bố dịch phải đủ điều kiện, hiện nay chưa đủ điều kiện để công bố dịch. Hà Nội chủ trương rằng, có công bố dịch hay không không quan trọng, quan trọng nhất là phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch, khống chế dịch. “Trước hết thành phố nêu rõ quan điểm để Sở Y tế, ngành y tế quận huyện phải thực hiện, đó là khống chế dịch bệnh, không để lây lan ở các điểm mới. Khống chế bằng cách: các trường hợp chưa tiêm phòng phải được tiêm phòng” - bà Ngọc nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW: Chủng virut gây dịch sởi năm nay vẫn là chủng truyền thống

Phân tích về mặt độc lực của virut, ông Kính cho biết, qua đối chiếu với các nước đang có dịch sởi xảy ra như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines thì không có sự thay đổi về chủng virut sởi. “Về việc virut sởi đã có biến đổi về độc lực và cách lây truyền hay chưa, qua giải trình tự gen, chủng virut gây dịch sởi năm nay vẫn là chủng truyền thống”- ông Kính cho biết. Còn về các điều kiện khác như vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực... của virut sởi thì các nghiên cứu của Bộ Y tế cũng như thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng chưa có gì bất thường.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bậc phụ huynh quá lo lắng, đến mức tất cả các trường hợp bệnh nhẹ đều mang đến bệnh viện và đặc biệt tập trung vào bệnh viện tuyến cuối là BV Nhi TW. Khi tập trung như vậy, bệnh sởi lây theo đường hô hấp, nên càng tập trung đông người thì nguy cơ lây lan bệnh càng cao. Vì vậy, để phòng chống bệnh này, người dân cần tản bệnh nhân ra, giảm bớt sự tập trung đông người ở một khu vực. Đặc biệt, người dân cần rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, tăng cường miễn dịch cho những người có nguy cơ mắc như tiêm chủng trong cộng đồng.

Nhóm PVTS

Theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/10/2010, việc công bố bệnh truyền nhiễm trong đó có sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:

1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:

- Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả.

- Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả.

- Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

 


Ý kiến của bạn