Hà Nội

Chưa có vắc-xin, phòng bệnh Ebola theo biện pháp truyền thống

27-08-2014 21:45 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong tiến trình hội nhập, giao lưu quốc tế, nước ta cũng đứng trước nguy cơ bệnh Ebola xâm nhập với những thảm họa khó lường.

Hiện nay, dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại một số nước ở Tây Phi làm cho hàng ngàn người mắc và hàng trăm bệnh nhân tử vong. Sự lan tràn đại dịch này khiến cả thế giới lo ngại vì gặp nhiều khó khăn trong việc xử trí. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Tình hình đáng lo ngại

Từ đầu năm 2014 cho đến nay, WHO ghi nhận trên toàn cầu có 1.711 bệnh nhân bị nhiễm loại virút Ebola ở 4 nước thuộc Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria làm cho 980 trường hợp tử vong, chiếm hơn 57% số người bị nhiễm bệnh. Có thể nói đây là một đại dịch có diễn biến khá nguy hiểm và tàn tệ nhất từ khi virút Ebola phát hiện cách đây đã 38 năm. Hiện nay bệnh Ebola chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu đối với virút gây chết người này nên việc phòng chống bệnh gặp rất nhiều khó khăn khi chúng bùng phát.

Bệnh Ebola là gì?

Bệnh Ebola còn được gọi là bệnh sốt xuất huyết do nhiễm virút Ebola (Ebola haemorrhagic fever) là bệnh cấp tính nặng, được các nhà khoa học phát hiện trên người lần đầu tiên vào năm 1976 tại Yambuku, Congo và Nzara, Sudan. Sở dĩ virút gây bệnh đặt tên là virút Ebola vì chúng được phát hiện ở ngôi làng Yambuku, Congo, gần dòng sông Ebola tại đây. Các nhà khoa học ghi nhận virút Ebola là một trong ba chi thuộc họ Filoviridae (Filovirus) gồm có 5 loài khác nhau; trong đó năm 2014 virút gây bệnh Ebola ở châu Phi chiếm đến 98% là loài virút Zaire ebolavirus, viết tắt là EBOV.

Con đường lây nhiễm bệnh

Ebola là bệnh nhiễm virút truyền từ các loại động vật hoang dã sang người, đặc biệt loài dơi ăn quả được xem là vật chủ tự nhiên chứa mầm bệnh virút. Khi con người tiếp xúc với máu, dịch tiết, phủ tạng, dịch thể khác... của các loại động vật hoang dã nhiễm mầm bệnh, virút sẽ xâm nhập sang người và gây bệnh. Ở một số nước châu Phi, các nhà khoa học đã ghi nhận nhiều bệnh nhân bị nhiễm bệnh khi vận chuyển các loại động vật hoang dã: tinh tinh, đười ươi, vượn, khỉ, dơi ăn quả, linh dương, nhím... bị mắc bệnh hoặc chết trong những khu rừng nhiệt đới. Đồng thời mầm bệnh virút cũng có thể lây nhiễm từ người sang người khi tiếp xúc với máu, vết thương hở trên da, nước bọt, dịch bài tiết khác của người bị nhiễm bệnh hoặc qua tiếp xúc gián tiếp với môi trường bị ô nhiễm bởi các dịch thể mang virút của người bệnh thải ra. Thực tế cũng ghi nhận trong các đám tang của những bệnh nhân bị tử vong vì bệnh Ebola, một số người tiếp xúc trực tiếp với việc khâm liệm thi hài rất dễ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Một vấn đề cần quan tâm là nam giới bị mắc bệnh Ebola vẫn có thể lây truyền mầm bệnh virút qua tinh dịch trong thời gian 7 tuần sau khi khỏi bệnh. Ngoài ra, các nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ, bảo vệ cá nhân một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt cũng rất có khả năng bị nhiễm bệnh do nghề nghiệp.

Triệu chứng bệnh lý, chẩn đoán xác định bệnh

Ebola được xác định là bệnh cấp tính nặng, bệnh lý lâm sàng điển hình được biểu hiện bằng triệu chứng sốt cao đột ngột, người bệnh rất mệt mỏi, đau đầu, đau họng, đau cơ...; sau đó nôn mửa, đi tiêu chảy, có dấu hiệu suy chức năng gan và thận. Một số trường hợp bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nội và xuất huyết ngoại. Xét nghiệm máu ghi nhận tình trạng giảm bạch cầu và tiểu cầu, tăng men gan... Khi trong máu và dịch tiết của bệnh nhân hiện diện mầm bệnh virút thì người bệnh có khả năng đóng vai trò lây nhiễm bệnh cho người khác qua con đường tiếp xúc trực tiếp. Các nhà khoa học đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân nam giới sau khi bệnh khởi phát 61 ngày đã xuất hiện virút Ebola trong tinh dịch nên rất dễ có nguy cơ lây truyền bệnh.

Các triệu chứng của bệnh: sốt, nhức đầu, đau cơ, tiêu chảy, đau họng...

Các triệu chứng của bệnh: sốt, nhức đầu, đau cơ, tiêu chảy, đau họng...

Nếu mầm bệnh virút Ebola xâm nhập vào cơ thể, sau thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lâm sàng giống cảm cúm như: sốt, đau đầu, đau họng, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy...; sau đó một số trường hợp có dấu hiệu xuất huyết nội và ngoại như đã nêu ở trên nên bệnh Ebola còn được gọi là bệnh sốt xuất huyết Ebola. Các nhà khoa học ghi nhận 90% số bệnh nhân bị tử vong vì hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là suy gan và suy thận. Ngoài triệu chứng lâm sàng, việc chẩn đoán xác định bệnh được căn cứ vào các xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết enzyme (ELISA), xét nghiệm phát hiện kháng nguyên, xét nghiệm trung hòa huyết thanh, xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR), soi phát hiện virút dưới kính hiển vi điện tử, phân lập virút bằng kỹ thuật nuôi cấy tế bào... Cần thận trọng khi xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân vì chúng rất dễ có nguy cơ lây nhiễm virút cho kỹ thuật viên ở phòng xét nghiệm, vì vậy phải được thực hiện trong điều kiện bảo đảm an toàn sinh học để phòng ngừa. Thực tế ghi nhận có khoảng 100 bác sĩ, nhân viên y tế đã bị lây nhiễm bệnh khi tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola tại Tây Phi nên các tổ chức y tế nhân đạo, nhân viên y tế tình nguyện của các nước đến đây hỗ trợ chống dịch rất lo ngại.

Trong giai đoạn hiện nay, một số quốc gia có nhiều loại dịch bệnh lưu hành và bùng phát với bệnh lý lâm sàng tương tự nên khi chẩn đoán xác định bệnh Ebola cần chú ý việc chẩn đoán phân biệt, loại trừ một số bệnh khác để tránh nhầm lẫn như: sốt rét, tả, lỵ trực trùng, thương hàn, dịch hạch, bệnh leptospira, bệnh rickettsia, sốt hồi quy, viêm màng não, viêm gan, sốt xuất huyết Dengue, các bệnh do nhiễm các loại virút khác... Vì vậy, cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết kèm theo để giúp cho việc chẩn đoán chính xác.

Phòng lây nhiễm bệnh

Hiện nay bệnh Ebola chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu; khi bị nhiễm bệnh thì tỉ lệ tử vong có thể chiếm đến 90%. Vì vậy, WHO khuyến cáo việc phòng ngừa lây nhiễm bệnh vẫn phải thực hiện bằng các biện pháp truyền thống chủ yếu như không ăn thịt sống và tiếp xúc với các loại động vật hoang dã mang mầm bệnh, triệt để cách ly người bệnh, xử lý và mai táng thi thể bệnh nhân tử vong đúng quy trình, sử dụng trang phục bảo hộ y tế khi tiếp xúc với người bệnh.

Không ăn thịt sống và tiếp xúc với các loại động vật hoang dã có khả năng mang mầm bệnh như tinh tinh, đười ươi, vượn, khỉ, dơi ăn quả, linh dương, nhím... bị mắc bệnh hoặc chết trong những khu rừng vì rất dễ có nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với máu, dịch tiết, cơ quan nội tạng, các chất dịch khác có virút Ebola. Thường xuyên dọp dẹp sạch sẽ, khử trùng bằng hóa chất các trang trại chăn nuôi, vườn thú hoang dã.

Cách ly người bệnh là một biện pháp cần thực hiện triệt để vì virút Ebola có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành do tiếp xúc trực tiếp với máu, vết thương hở trên da, nước bọt, dịch bài tiết khác của người bị nhiễm bệnh hoặc qua tiếp xúc gián tiếp với môi trường bị ô nhiễm bởi các dịch thể mang virút của người bệnh thải ra. Đồng thời cũng cần chủ động giám sát, kiểm tra và tạm thời cách ly những người đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh mà không được bảo vệ phòng hộ, kể cả nhân viên y tế và nhân viên trong phòng xét nghiệm. Đối với bệnh nhân Ebola đã được chẩn đoán xác định thì phải thực hiện việc cách ly hoàn toàn một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, đối với người bệnh tử vong hay bị nhiễm virút Ebola cần có biện pháp khử trùng nơi ở, những đồ dùng cá nhân bằng hóa chất.

Virút Ebola, thủ phạm gây đại dịch làm chết nhiều người hiện nay

Virút Ebola, thủ phạm gây đại dịch làm chết nhiều người hiện nay

Xử lý và mai táng thi thể bệnh nhân tử vong đúng quy trình là một yêu cầu bắt buộc vì thực tế cho thấy những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị tử vong do nhiễm virút Ebola rất dễ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, phải xử lý và mai táng thi thể bệnh nhân một cách kịp thời, càng sớm càng tốt, đúng quy trình để bảo đảm sự an toàn phòng bệnh.

Sử dụng trang phục bảo hộ y tế khi tiếp xúc với người bệnh là phương tiện phòng hộ bảo vệ cá nhân như găng tay, áo choàng, khẩu trang, kính đeo mắt; thường xuyên vệ sinh tay bằng nước sạch và xà phòng cũng là một vấn đề cần được quan tâm vì trên thực tế nhiều người nhà bệnh nhân, kể cả nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc điều trị, chăm sóc người bệnh Ebola do không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ cá nhân cần thiết kể cả việc vệ sinh tay khi đã mang găng tay theo quy định.

Cảnh báo bệnh ngoại nhập

Mặc dù WHO cho rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh Ebola từ các nước đang bùng phát ở Tây Phi đến những quốc gia khác là rất thấp nhưng với tiến trình hội nhập, giao lưu quốc tế, du lịch, xuất khẩu lao động... mầm bệnh virút có khả năng xâm nhập vào nội địa để lây lan là vấn đề không thể xem thường. Con đường lây nhiễm bệnh Ebola đã được các nhà khoa học xác định; triệu chứng bệnh lý và việc chẩn đoán xác định bệnh có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác có triệu chứng lâm sàng tương tự cần lưu ý; vì vậy tất cả các quốc gia phải cảnh báo bệnh ngoại nhập vào đất nước mình để gây nên thảm họa là vấn đề không thể chủ quan.

Thực tế tại nước ta, tình trạng bệnh sốt rét và một số các bệnh khác ngoại nhập từ những người mang mầm bệnh ở các nước châu Phi đem vào nội địa qua con đường du lịch, xuất khẩu lao động đã được phát hiện trong thời gian qua như cơ quan báo chí đưa tin; hiện nay đến dịch bệnh Ebola cũng đang có nguy cơ này. Nhìn lại ở một số thành phố phát triển mạnh về du lịch, du khách ở nhiều nước đã đến từ nhiều quốc gia khác nhau với đủ loại da màu, kể cả một số nước châu Phi nên đây là môi trường có thể làm cho mầm bệnh ngoại nhập một cách dễ dàng nếu không có sự chủ động kiểm soát của các cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế ở những cửa khẩu, sân bay, bến cảng... Một số đô thị về ban đêm dễ dàng nhận thấy người nước ngoài ở nhiều quốc gia khác nhau đến tụ họp vui chơi, giải trí, mua sắm... tại những con phố thường được dân địa phương gọi là phố tây; trong số họ ai là người có mang mầm bệnh virút Ebola lây nhiễm là điều khó xác định được.

Đứng trước thực trạng tình hình này, Bộ Y tế nước ta đã khuyến cáo và chủ động xây dựng những phương án, giải pháp kiểm soát, ngăn chặn nguồn bệnh virút Ebola xâm nhập vào nội địa. Khuyến khích người dân không nên đến ở các nước ở châu Phi đang có dịch bệnh lưu hành; đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế đối với du khách đến từ nhiều nước khác nhau, đặc biệt là các nước Tây Phi nhằm phát hiện những nguy cơ để xử trí biện pháp kịp thời, ngăn chặn thảm họa xảy ra khi mầm bệnh xâm nhập vào nội địa.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh


Ý kiến của bạn