Hà Nội

Chưa có quy định cụ thể nào cấm thành lập Ðơn nguyên Thận nhân tạo

23-01-2019 08:45 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 22/1, HĐXX TAND TP. Hòa Bình bước sang phần tranh luận. Sau khi đại diện VKSND TP. Hòa Bình đề nghị HĐXX mức án 30 - 36 tháng tù với bị cáo Trương Quý Dương về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước HĐXX, bị cáo Trương Quý Dương cho rằng bản thân không tự nêu quan điểm gỡ tội mà ủy quyền cho 3 luật sư tham gia tranh luận.

Đơn nguyên Thận nhân tạo được thành lập đúng quy định

Cáo buộc của VKS cho rằng bị cáo Trương Quý Dương đã buông lỏng quản lý, vi phạm quy chế bệnh viện. Làm trái quy định của Bộ Y tế qua việc ký quyết định thành lập Đơn nguyên Thận khi chưa bố trí cán bộ kỹ thuật máy móc, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Khi xảy ra biến cố, ông Dương đã đùn đẩy trách nhiệm. VKS đề nghị bị cáo Dương mức án 2,5 năm - 3 năm tù.

Luật sư Huỳnh Phương Nam bào chữa cho bị cáo Trương Quý Dương cho rằng VKS truy tố bị cáo Trương Quý Dương về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đủ căn cứ. Theo luật sư, chủ trương thành lập Đơn nguyên Thận rất đúng đắn và đã được nhiều đơn vị, trong đó có Sở Y tế tỉnh Hòa Bình chấp thuận, thông qua. Việc thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo xuất phát từ nhu cầu của địa phương. Ban Giám đốc bệnh viện nắm bắt mục đích đó, đã cùng ông Dương thành lập Đơn nguyên này để người dân được hưởng lợi, thay vì phải xuống Hà Nội chạy thận. Đồng thời nhấn mạnh, Đơn nguyên này chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong bệnh viện, không có quy định cụ thể nào cấm thành lập, luật sư Nam nói.

Về cáo buộc làm trái quy định khi lập bộ phận này, luật sư cho rằng: Việc thành lập Đơn nguyên Thận không hề vi phạm Thông tư 02/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP như cáo buộc. Trái lại, trên cơ sở tờ trình của Sở Y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo tinh thần của Nghị định 43. Do đó, việc làm của bệnh viện khi thành lập Đơn nguyên lọc máu hoàn toàn có cơ sở. Luật sư cũng cho rằng, BVĐK tỉnh Hòa Bình có đủ điều kiện thực nghiệm, có quyền sắp xếp và thực hiện kỹ thuật lọc máu tại cơ sở. Các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai còn khẳng định, kỹ thuật chạy thận đã được triển khai nhiều nơi. BVĐK tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính, việc thực hiện là hoàn toàn đúng pháp luật, luật sư viện dẫn.

Chưa có quy định cụ thể nào cấm thành lập Ðơn nguyên Thận nhân tạoToàn cảnh phiên xét xử.

Về quy kết cho rằng bị cáo Dương thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, luật sư Nam cho rằng điều đó là không có căn cứ. Bởi theo quy chế làm việc của bệnh viện đã có sự phân công, phân cấp lãnh đạo. Một mình Trương Quý Dương không thể quản lý, giám sát hết các bộ phận, phòng ban. Hơn nữa, hàng năm, Sở Y tế 2 lần thanh kiểm tra, đều không có ý kiến nào về cơ cấu tổ chức cũng như quy trình lọc máu chạy thận tại bệnh viện. Nguyên nhân gây ra sự cố y khoa làm chết 9 người là do lỗi cẩu thả. Thân chủ của ông phải chịu trách nhiệm do hành vi cẩu thả của người khác.

Cũng theo luật sư bào chữa cho bị cáo Dương thì đối với việc bảo hành RO, bệnh viện không đủ năng lực để thực hiện được nên phải thuê Công ty Thiên Sơn. Và sau khi có sự cố xảy ra, bị cáo Dương cũng đã đứng ra chịu trách nhiệm với nhân dân, pháp luật. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Dương cần phải xem xét lại. Việc buộc tội đối với ông Dương mức án 30 - 36 tháng tù là miễn cưỡng, khó chấp nhận”, luật sư Quyền nói.

Đối đáp lại luật sư bào chữa, đại diện VKS khẳng định bị cáo Dương tại BVĐK tỉnh Hòa Bình chưa thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai. VKS cáo buộc bị cáo Dương không có kỹ sư, kỹ thuật cho Đơn nguyên Thận lọc máu, việc giám sát kiểm tra không kiểm tra đối với BS. Hoàng Đình Khiếu (người được giao phụ trách Khoa Hồi sức tích cực). Việc đó là hành động buông lỏng quản lý, dẫn đến việc bàn giao hệ thống máy RO không đảm bảo. Bị cáo Dương cũng không hỏi bị cáo Khiếu việc sửa chữa máy móc, từ năm 2013 đến nay không ai quản lý, không ai chịu trách nhiệm. Vậy nên người đứng đầu bệnh viện phải chịu trách nhiệm trước vụ việc.

Trước cáo buộc như trên của VKS, luật sư bào chữa đề nghị HĐXX xử lý với vai trò thiếu trách nhiệm của ông Hoàng Công Tình, bởi ông là Phó trưởng khoa HSTC giúp việc cho ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa HSTC.

Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Về trách nhiệm dân sự, đại diện cơ quan công tố cho rằng hành vi của các bị cáo là nguyên nhân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, 9 người tử vong và 9 người ảnh hưởng sức khỏe. Căn cứ Điều 76 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 và Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015. Sau khi xem xét, đánh giá VKS thấy BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.

Đối với mức bồi thường cho 9 gia đình có nạn nhân tử vong, theo Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do tính mạng xâm hại, bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng và thiệt hại khác do pháp luật quy định.

Tại phiên tòa, gia đình 9 nạn nhân đã đưa ra các mức yêu cầu bồi thường từ 357.350.000 đồng/1 nạn nhân đến 435.750.000 đồng/1 nạn nhân.

Trong đó, 9 gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần là 100 tháng lương cơ bản (theo mức lương cơ bản mới áp dụng) và tiền an táng chung (sau cải táng) tại một nghĩa trang là 478.750.000 đồng; tiền chi phí mai táng từ 78,6 triệu đồng đến gia đình có chi phí mai táng cao nhất là 157 triệu đồng. Riêng gia đình nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng và Nguyễn Thị Bích Nguyên yêu cầu bồi thường thêm 63,7 triệu và 134,4 triệu đồng tiền trợ cấp nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi.

Theo đại diện VKS, căn cứ Nghị quyết 03/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, những chi phí hợp lý cho việc mai táng phí bao gồm các khoản tiền mua quan tài, các đồ cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, xe tang và các chi phí khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung; không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng, tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ. Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý về thu nhập của người bị thiệt hại.

Đối với thiệt hại sức khỏe của 9 nạn nhân (các bệnh nhân chạy thận may mắn sống sót, hiện đang điều trị sức khỏe), kết luận giám định thương tích cho thấy không đủ căn cứ xác định thiệt hại về sức khỏe đối với 9 bệnh nhân. Tuy nhiên, VKS kiến nghị HĐXX cần xác định một mức bồi thường chung cho 9 bệnh nhân về những chi phí cho việc phục hồi sức khỏe, thu nhập bị giảm sút và một mức bồi thường về tổn thất tinh thần theo Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bệnh nhân.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn