Hà Nội

Chưa có chủ trương cấm xe máy “buộc” người dân đi đường sắt trên cao

01-04-2019 06:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, thông tin cho rằng việc cấm xe máy ở tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương là nhằm “ép” người dân phải đi đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là chưa đúng.

Bởi việc hạn chế tiến tới cấm xe máy đã được Chính phủ chỉ đạo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2008 nhưng đến bây giờ mới thực hiện. Tuy nhiên, mới chỉ là đề án xin ý kiến chứ chưa có chủ trương cấm ngay bây giờ.

Mới chỉ là đề án

Liên quan đến đề án hạn chế phương tiện giao thông, cụ thể là thời điểm cấm xe máy tuyến Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Đây mới chỉ là đề án, chứ chưa có chủ trương cấm. Chúng tôi mong muốn sớm xây dựng được lộ trình, đưa ra được lộ trình, chứ không phải sớm cấm xe máy. Muốn đưa vào đời sống phải cần 10-15 năm, chứ không thể ngày một ngày hai. Hiện đang bàn và đưa ra để nhân dân biết, để cùng bàn thảo, chứ không phải thực hiện ngay. Chúng tôi là cơ quan thực hiện, cam kết đảm bảo vệ lợi ích chung chứ không phải lợi ích riêng. Mấu chốt là phải có hạ tầng, phải khảo sát kỹ càng. Các tuyến đường đều đang nghiên cứu để đưa ra lấy ý kiến, chứ chưa quyết cụ thể tuyến nào. Vì vậy, thông tin cho rằng cấm xe máy tuyến đường Nguyễn Trãi để “buộc” người dân tập trung đi tàu đường sắt trên cao là không chính xác, ông Viện cho biết.

Về băn khoăn trong việc kết nối tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông với các phương tiện vận tải khác, khi chính thức đưa vào vận hành khai thác thương mại tới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lí và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng và báo cáo UBND TP. Hà Nội phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, sẽ bố trí các điểm dừng xe buýt hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến; Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (tính cả 2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Ngoài ra, Sở đề xuất bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ lên 28 điểm.

Như vậy, sau điều chỉnh tại Ga Cát Linh sẽ có 7 tuyến buýt kết nối, tại Bến xe Yên Nghĩa sẽ có 11 tuyến buýt kết nối. Tại các ga sẽ có từ 2 tuyến buýt trở lên để kết nối, trung chuyển hành khách với đường sắt đô thị.

Ông Vũ Văn Viện khẳng việc cấm xe máy tuyến đường Nguyễn Trãi mới chỉ là đề án.

Ông Vũ Văn Viện khẳng việc cấm xe máy tuyến đường Nguyễn Trãi mới chỉ là đề án.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông “Chưa thể khai thác thương mại trong tháng 4/2019”

Liên quan đến tuyến đường sắt trên cao vì sao chậm đưa vào khai thác thương mại, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chưa thể chở khách được trong tháng 4/2019 vì còn phụ thuộc vào tổng thầu và nhận bàn giao từ Bộ GTVT, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng đưa vào khai thác sớm nhất có thể.

Trước đó, ngày 15/3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã thị sát dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Ông Thể yêu cầu tổng thầu và các đơn vị liên quan nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019, đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối cho hành khách. Tuy vậy, đến nay còn một số hạng mục vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, thời điểm chính thức thì chưa thể khẳng định, ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, đến thời điểm này dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp; 1% còn lại là các hạng mục hoàn thiện công trình ga và một số hạng mục thiết bị. Trong đó có hạng mục thẻ vé tự động AFC liên quan trực tiếp đến vận hành thử liên động dự án. Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hàng tuần đều họp giao ban để đánh giá chất lượng, đôn đốc thi công, nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận từng phần dự án. Các đơn vị liên quan cũng đang nỗ lực, phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành dự án sớm đưa vào khai thác để đi lại thuận lợi, giải quyết ùn tắc giao thông.

Để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, công ty đang tiến hành 6 nhóm công việc: Hoàn thiện các hành lang pháp lý; xây dựng phương án giá vé và chính sách ưu tiên, ưu đãi cho hành khách đi lại trên tuyến; chuẩn bị về nhân lực; hoàn thiện các quy trình vận hành, bảo trì phục vụ công tác vận hành thử. Mục tiêu an toàn của hành khách là trên hết. Do đó, việc đào tạo lái tàu cũng được quan tâm. Hiện đã có 37 lái tàu sau khi đào tạo ở Trung Quốc trở về đã có thể vận hành tàu, ông Trường khẳng định.

Không ở đâu khó làm giao thông công cộng như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vì ở đây người dân có nhiều phương tiện để di chuyển. Khi chuyển sang đường sắt trên cao là sự thay đổi về văn hóa đi bộ, phải thay đổi và phải đi bộ nhiều hơn, chứ đường sắt không thể chở người dân đến tận nhà”, ông Trường bày tỏ.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã thống nhất giá vé cho tuyến đường sắt này, cụ thể: Vé tháng 200.000 đồng/vé/tháng; vé ngày 30.000 đồng/vé/ngày; vé lượt 7.000 đồng/vé/lượt, cộng thêm 600 đồng/vé/1km di chuyển, tương đương mức từ 8.000 - 15.000 đồng/vé/lượt. Ngoài ra, Hà Nội sẽ báo cáo HĐND thành phố thông qua phương án miễn phí giá vé cho người dân đi tàu trong nửa tháng đầu tiên và miễn giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên. Đồng thời, Hà Nội cũng dự tính xây dựng các điểm, bãi đỗ và gửi xe cá nhân tại các nhà ga, các phương thức giao thông để tiếp cận người đi bộ. Được biết, hiện Hà Nội đang ban hành khung pháp lý và tiến tới xây dựng thẻ đi các phương tiện công cộng sẽ dùng chung cho cả đường sắt, xe buýt, đỗ xe...


Trần Lâm
Ý kiến của bạn