Chưa có cảnh báo về chất tạo màu trong Coca, Pepsi

14-03-2012 14:38 | Thời sự
google news

Vấn đề này không phải là mới, mà cách đây hơn một năm báo chí Mỹ đã đề cập đến khi Trung tâm Khoa học vì quyền lợi công chúng Mỹ (CSPI) đưa ra cảnh báo rằng chất 4-methylimidazole (4-MIE) trong nước ngọt Coca-Cola và Pepsi Cola có thể gây ung thư.

Ảnh:Asiaone.com.
Vấn đề này không phải là mới, mà cách đây hơn một năm báo chí Mỹ đã đề cập đến khi Trung tâm Khoa học vì quyền lợi công chúng Mỹ (CSPI) đưa ra cảnh báo rằng chất 4-methylimidazole (4-MIE) trong nước ngọt Coca-Cola và Pepsi Cola có thể gây ung thư.

Tuy nhiên mới đây, vấn đề này đã được xới lại khi hai đại gia nước ngọt là Coca-Cola và Pepsi đã phải thay đổi công thức để hạ hàm lượng chất này nhằm tránh sự áp đặt của bang California (Mỹ) về việc phải ghi cảnh báo trên sản phẩm. Theo nghiên cứu của CSPI, 4-MIE sinh ra từ phản ứng hóa học giữa hai chất amoniac và sulphites.

Tháng 12.2011, vấn đề này đã gây “sóng gió” đối với hai đại gia nước ngọt khi Toà án California đưa ra phán quyết có thể xếp 4-MIE là chất gây ung thư. Tất nhiên các hãng nước ngọt trên không đồng tình với phán quyết như thế, nhưng vẫn phải hạ hàm lượng chất tạo màu caramel này nhằm tránh bị áp đặt hình thức cảnh báo trên sản phẩm như trường hợp “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” hay “thuốc lá có thể gây ung thư phổi”... 

Nghiên cứu của CSPI mới chỉ trên động vật là chuột cho thấy chất 4-MIE liên quan đến bệnh ung thư trên loài vật này. Chính vì thế, các tổ chức và cơ quan quản lý thực phẩm tại Mỹ cho rằng chưa có căn cứ chất 4-MIE gây ung thư đối với người và hàm lượng 4-MIE trên sản phẩm của Coca-Cola và Pepsi còn thấp hơn mức cho phép rất nhiều.

Theo tiến sĩ Phan Thị Sửu - GĐ Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm - chất 4-MIE vẫn nằm trong danh mục chất phụ gia được phép lưu hành và đến nay chưa hề có cảnh báo gì từ cơ quan chức năng về việc chất này có liên quan tới bệnh ung thư. “Vấn đề này còn quá mới. Nếu cần cảnh báo hạn chế sử dụng thì Bộ Y tế phải có ý kiến chính thức” - bà Sửu nói.

Cũng theo bà Sửu, một chất phụ gia nào đó khi đã được đưa vào danh mục cho phép lưu hành trên thế giới nhất định đã phải qua sự xét duyệt của Ủy ban CODEX quốc tế. Cũng theo tiến sĩ Sửu, để đi đến quyết định loại trừ chất này khỏi danh mục phụ gia cho phép lưu hành cũng cần có kết quả nghiên cứu thống nhất từ nhiều phía.

Trong khi đó, PGS-TS Đồng Thị Thanh Thu (ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) cho biết: “Vấn đề chất 4-MIE tạo màu caramel trong nước ngọt trong ngành chúng tôi có biết, nhưng để đưa ra một kết luận hay khuyến cáo thì cần có nghiên cứu sâu về chất này từ công thức cho đến phản ứng hóa học của nó”.   

Theo Thẩm Hồng Thụy (Lao động)

 


Ý kiến của bạn