Chưa có bờ kè, hàng trăm hộ dân lo sóng biển ‘nuốt’ nhà

15-11-2023 20:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Chưa có bờ kè, mùa mưa về, hàng trăm hộ dân sống ven biển ở xã Cà Ná (huyện Thuận Nam) và khu phố Ninh Chữ 1 (huyện Ninh Hải) tỉnh Ninh Thuận lại sống trong nỗi lo sóng biển ‘nuốt’ nhà.

Bất an mỗi khi sóng biển dâng cao

Một số hộ dân sống ven biển xã Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, cao điểm mùa mưa ở địa phương thường từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch, đây cũng là thời điểm sóng lớn hay uy hiếp vào nhà. 

Để an toàn tính mạng, nhiều gia đình phải lên đồn biên phòng hoặc sang nhà người thân để ở nhờ.

Anh Nguyễn Ngọc Tý (ở thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná) cho biết: "Tháng 10 trở đi là bắt đầu vào mùa mưa bão mà lại chưa có bờ kè biển nên hơn 70 hộ gia đình trong thôn phải kê đồ đạc lên cao hơn để tránh hư hại do sóng biển ùa vào nhà".

Bà Trần Thị Hiền ở cùng thôn cũng lo lắng: "Cứ vào mùa mưa bão thì sóng ở đây rất mạnh, đánh vào nhà làm hư hỏng nhiều tài sản. Thuyền thúng để đi biển của tôi và hàng xóm cũng bị sóng đánh vỡ hoặc trôi ra biển. Mỗi lần sóng lớn là cả nhà tôi phải di chuyển lên đồn biên phòng ở nhờ vì sợ sóng 'nuốt" mất nhà".

Chưa có bờ kè, hàng trăm hộ dân lo sóng biển ‘nuốt’ nhà- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Tý (ở thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná) cho biết, cứ mùa mưa bão là sợ bị sóng biển làm hỏng nhà.

Trưởng thôn Lạc Sơn 1, ông Trương Văn Phụng thông tin thêm, trước đây ngành chức năng đã đưa 72 hộ dân sống sát biển về vùng khác để sinh sống cho an toàn. Tuy nhiên do các gia đình này chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản nên lại quay về chỗ cũ để thuận tiện cho công việc.

"Vào mùa mưa như hiện nay thì 72 hộ dân ở đây bị ảnh hưởng trực tiếp 100%. Ước mong của người dân là các cấp, ngành chức năng sớm làm kè biển để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con" - ông Phụng bộc bạch.

Cũng như nhiều hộ dân ven biển xã Cà Ná, mấy ngày nay không ít gia đình sống ven biển ở khu phố Ninh Chữ 1 (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) cũng bất an mỗi khi sóng to.

Chưa có bờ kè, hàng trăm hộ dân lo sóng biển ‘nuốt’ nhà- Ảnh 2.

Căn nhà của ông Đỗ Tuấn Đông ở khu phố Ninh Chữ 1 (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) bị sóng 'nuốt' mất gần một nửa.

Sóng dâng cao không chỉ làm sụt đất mà còn làm sập tường nhà, hư hại tài sản. Có thời điểm sóng biển dâng cao 4 - 5m 'nuốt' nhiều ngôi nhà, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của địa phương.

Một số gia đình vì điều kiện kinh tế eo hẹp không dám sửa chữa nhà cửa khi chưa kết thúc mùa mưa, vì sửa xong lại sợ sóng đánh sập.

Chưa có bờ kè, hàng trăm hộ dân lo sóng biển ‘nuốt’ nhà- Ảnh 3.

Một căn nhà của người dân ở khu phố Ninh Chữ 1 (thị trấn Khánh Hải) vừa bị sóng biển tàn phá.

Trước thực trạng trên, người dân mong chờ chính quyền sớm xây dựng tuyến bờ kè biển càng sớm càng tốt để xóa nỗi bất an với sóng biển khi mùa mưa bão về.

Mong sớm có vốn để làm bờ kè chắn sóng biển

Bà Trương Thị Thanh Vân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ninh Thuận thông tin, qua khảo sát dưới tác động của sóng biển và triều cường, khu vực bờ biển xã Cà Ná bị sóng xâm thực sâu vào đất liền từ 10 - 20m, ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản, tính mạng của hơn 550 hộ dân. Việc đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân cư ven biển xã Cà Ná là cấp bách.

Chưa có bờ kè, hàng trăm hộ dân lo sóng biển ‘nuốt’ nhà- Ảnh 4.

Người dân ven biển Cà Ná và khu phố Ninh Chữ 1 đều mong sớm có bờ kè chắn sóng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương đã khảo sát việc xây bờ kè chắn sóng biển để bảo vệ tài sản, đời sống người dân ven biển xã Cà Ná và Ninh Chữ 1.

Tuy nhiên, theo dự kiến, kinh phí để xây dựng kè chắn song bảo vệ khu dân cư xã Cà Ná hết khoảng 150 tỉ đồng, bờ kè khu phố Ninh Chữ 1 mất khoảng 70 tỉ đồng mà nguồn vốn ngân sách địa phương hạn chế, khó cân đối để kịp thời thực hiện đầu tư.

Vậy nên, tỉnh Ninh Thuận đã có đề xuất lên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành trung ương trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương hỗ trợ kinh phí.

Lễ cúng thần sóng biển của dân tộc ChămLễ cúng thần sóng biển của dân tộc Chăm

SKĐS - Dân tộc Chăm cũng có vị thần ngự trị và trông coi đại dương mà người Chăm thường gọi là vị thần Po Riyak (thần sóng biển)


Ý Thảo
Ý kiến của bạn