Theo các chuyên gia, ngoài chủng vi rút corona mới hiện nay là SARS-CoV-2, đã có 6 chủng vi rút corona (Coronavirus) khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.
Trong đó, có một số chủng vi rút corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp như SARS-CoV (gây bệnh SARS), MERS-CoV (gây bệnh MERS) và vi rút SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19).
Hiện tại, các tài liệu liên quan đến dịch bệnh do vi rút corona gây ra như SARS, MERS hay COVID-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các vi rút này có khả năng lây truyền qua đường máu.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2003 chỉ ra rằng không có trường hợp nào lây nhiễm vi rút SARS-CoV do truyền các chế phẩm máu trong đại dịch SARS diễn ra năm 2002 – 2003 ở nhiều quốc gia.
Ngày 1/3/2020, WHO cho thấy, dù đã tìm thấy các đoạn RNA của vi rút SARS-CoV-2 trong máu của các bệnh nhân có triệu chứng mắc COVID-19 nhưng không có nghĩa là có nguy cơ lây nhiễm.
WHO khẳng định các vi rút lây truyền qua đường hô hấp chưa được ghi nhận có khả năng lây truyền qua đường máu. Bên cạnh các biện pháp sàng lọc thường quy khi khám tuyển người hiến máu để hạn chế các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp hoặc sốt, các trung tâm truyền máu có thể trì hoãn hiến máu đối với những trường hợp được chẩn đoán nhiễm COVID-19 hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19; trì hoãn với những người có tiền sử đi tới vùng dịch COVID-19 tối thiểu 14 ngày kể từ thời điểm rời khỏi vùng dịch.
Trước đó, vào tháng 1/2020, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) và Hiệp hội các ngân hàng máu Hoa Kỳ (AABB) chỉ khuyến cáo trì hoãn hiến máu 21 ngày đối với những người trở về từ vùng dịch và những người khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 kể từ thời điểm không còn nhiễm vi rút này. Khuyến cáo này cũng tương tự như ECDC và AABB đã áp dụng cho dịch SARS và MERS trước đây.
AABB, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hiện không đưa ra khuyến cáo là cần phải làm xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS-CoV-2 giống như chúng ta phải sàng lọc những vi rút khác. Chưa có bất kỳ trường hợp nào lây nhiễm các loại vi rút đường hô hấp bao gồm cúm, MERS, SARS hoặc SARS-CoV2 qua đường truyền máu trong vòng 2 thập kỷ qua. Mặc dù vậy, một số cơ sở truyền máu ở Hoa Kỳ cũng đã áp dụng trì hoãn 28 ngày với những người có tiền sử đi tới vùng dịch COVID-19 kể từ thời điểm rời khỏi vùng dịch.
Phòng chống COVID-19, đừng quên hiến máu
Vào thứ 3 tuần trước (ngày 3/3/2020), Nhóm Đặc trách liên ngành của AABB về ứng phó thảm họa và khủng bố đã kêu gọi khẩn cấp những người dân khỏe mạnh, đủ điều kiện sức khỏe giữ lịch hẹn hiến máu để đảm bảo nguồn máu cung cấp cho người bệnh.
Tuyên bố này được đưa ra trong tình trạng nhiều cơ sở truyền máu ở Hoa Kỳ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm máu, máu dự trữ chỉ đáp ứng được từ 3 đến 5 ngày. Hàng chục lịch hiến máu đã bị hủy, nhiều người dân đã hẹn nhưng không đến hiến máu, đặc biệt ở bang Washington và California – nơi dịch bệnh đang lan rộng và các nhà chức trách đang kêu gọi người dân hạn chế tụ tập đông người. Đại diện Trung tâm máu Vitalant cho biết họ chỉ có thể đảm bảo cung cấp máu cho những người bệnh thật sự cần trong vòng 4 ngày; nhiều nhóm máu chỉ đáp ứng dưới 50% so với nhu cầu.
Tuyên bố của AABB cũng nhấn mạnh người khỏe mạnh không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua việc hiến máu hoặc truyền máu. AABB sẽ phối hợp chặt chẽ với FDA và CDC để tăng cường các biện pháp đảm bảo nguồn cung cấp máu trong thời gian tới.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần có ý thức bảo vệ bản thân không bị nhiễm COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Bởi lẽ, bảo vệ bạn không bị nhiễm COVID-19, cũng chính là duy trì sức khỏe để có thể tham gia hiến máu:
- Thực hiện chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc.
- Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị sốt và ho.
- Không chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
- Đảm bảo bạn và những người xunh quanh giữ gìn vệ sinh hô hấp thật tốt.