Hà Nội

Chưa có bằng chứng hai ca mắc Whitmore trong cùng một gia đình ở Hà Nội lây nhau

18-11-2019 16:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là ý kiến của TS Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP Hà Nội về trường hợp ba chị em ở một gia đình ở Sóc Sơn tử vong - trong đó có hai anh em mất chỉ cách nhau trong vòng nửa tháng vì bệnh Whitmore.

Chia sẻ với phóng viên bên lề hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông- xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019 vào chiều nay 18/11, về trường hợp ba chị em ở một gia đình ở Sóc Sơn tử vong (trong đó có hai anh em mất chỉ cách nhau trong vòng nửa tháng) ông Cảm khẳng định “chưa đủ bằng chứng hai trẻ tử vong do Whitmore ở Sóc Sơn lây nhau”.

Theo đó ông Cảm thông tin hai trường hợp một cháu sinh năm 2014, 2018. Việc hai cháu bị bệnh cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm là điều đáng quan tâm.

TS.BS Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

“Chúng tôi tiếp tục điều tra và khuyến cáo người dân chủ động tích cực theo dõi trên địa bàn Hà Nội và tiếp tục có điều tra tiếp theo”- ông Cảm nói và cho biết thêm hiện nay, điều tra dịch tễ chưa có gì đặc biệt. Gia đình khỏe mạnh, bố mẹ đi làm ở công ty ở Khu công nghiệp Quang Minh.

Theo ông Cảm, bệnh whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Biện pháp cơ bản là vệ sinh cá nhân sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn ô nhiễm, khi có biểu hiện bệnh cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị.

“Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít. Đặc biệt, những người đang có bệnh lý có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Hiện, đang triển khai biện pháp chủ động phòng chống”- ông Cảm nhấn mạnh.

Gần đây, tại Hà Nội có hai trường hợp trong một gia đình mắc cách nhau khoảng nửa tháng và hai cháu diễn biến nặng đã tử vong, ngày 30/10 -16/11. Chúng tôi đã điều tra và xem xét kỹ lưỡng. Với gia đình không có gì bất thường. Tại trường học và hàng xóm chung quanh cũng không có trường hợp mắc bệnh tương tự.

Theo ông Cảm, hiện nay, Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Hà Nội đang phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện, cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân.

Trường hợp nào tử vong, ngành y tế đều tiến hành điều tra xác minh tích cực, kịp thời. Chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về căn bệnh, để người dân tránh hoang mang. Tuyên truyền biện pháp vệ sinh, tiến hành các bước khử khuẩn, phòng tránh như vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi. Khi tiếp xúc với đất cần dùng trang bị bảo hộ. Khi có biểu hiện bệnh thì cần đến cơ sở y tế.

Sự việc đau lòng xảy ra với vợ chồng anh T.V.C và chị T.T.N.Q, trú tại xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Trong vòng nửa tháng, 2 đứa con nhỏ là 2 cháu trai 2 và 5 tuổi của vợ chồng anh C. lần lượt ra đi với chung kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh whitmore.

Liên quan đến sự việc đau lòng này, sáng 18/11, sáng cùng ngày, lãnh đạo Bệnh viện Nhi TƯ cũng đã trao đổi với báo chí về các thông tin liên quan đến những ca bệnh này.

Trước đó, ngày 27/10 vừa qua, con trai thứ 2 của vợ chồng anh C. là cháu T.C.V., 5 tuổi sốt 38,5 độ kèm theo đau bụng nhưng không điều trị gì tại nhà. Sáng sớm ngày 28/10, gia đình đưa bé V. vào Bệnh viện Nhi TƯ để khám và điều trị.

Dù được điều trị tích cực, hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể nhưng đến 21h ngày 31/10, bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện Nhi TƯ với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10, đến ngày 1/11 có kết quả nuôi cấy, xác định trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore.

Nỗi đau chưa nguôi ngoai, ngày 10/11, cậu con trai út của anh chị là bé T.Q.H., 19 tháng tuổi lại sốt 38,5 độ. Ngay ngày hôm sau, gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi TƯ cấp cứu.

Bệnh nhi H. khi được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi TƯ vào tuần trước

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, khi đến cấp cứu, trẻ vẫn tỉnh táo, sốt, thỉnh thoảng rét run, được chuyển thẳng vào khoa Điều trị tích cực. Sau khi được điều trị kháng sinh, tình trạng trẻ có cải thiện nhưng 3 – 4 ngày sau tái trở lại rồi chuyển nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong vào ngày 16/11 vừa qua.

Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu cho thấy trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Ngay sau đó phía Bệnh viện Nhi TƯ đã báo cáo ca bệnh với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội.

“Các kết quả kiểm tra hệ miễn dịch, chức năng bạch cầu hạt của bệnh nhi H. đều trong giới hạn bình thường, tức không có bệnh lý bất thường, tuy nhiên các kết quả sâu hơn liên quan đến gene, bệnh viện chưa tiếp cận”- PGS.TS Trần Minh Điển nói.

TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, cả hai anh em bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng sốt, tiêu chảy, dùng kháng sinh mạnh nhưng không đáp ứng.

"Người anh của bệnh nhi cũng diễn biến nặng như em, ngày 3 - 4 bệnh rất nặng, chúng tôi đã phải làm tim phổi nhân tạo nhưng em bé cũng không qua khỏi. Đến người em sinh năm 2018, diễn biến nặng cũng rơi vào ngày 3 - 4", TS Tuấn nói.

Cũng theo TS Tuấn, với bệnh Whitmore, vi khuẩn này khó gây bệnh ở trẻ khoẻ bình thường, người lớn mạnh khoẻ. Bệnh có nguy cơ cao ở những người miễn dịch kém, người bệnh đái tháo đường, có kèm sẵn các bệnh mãn tính... Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của hai anh em sau tử vong đều cho thấy dương tính với vi khuẩn Whitmore.


Thái Bình
Ý kiến của bạn