Chữa chứng nhiệt miệng như thế nào?

SKĐS - Nhiệt miệng là tình trạng tổn thương trong khoang miệng dẫn đến viêm nhiễm và hình thành các vết loét ở niêm mạc miệng gây khó chịu cho người bệnh.

Nhiệt miệng Đông y gọi là khẩu cam. Bệnh có đặc điểm như sau:

- Nhiệt miệng ban đầu xuất hiện một số nốt mẩn đỏ, sau biến thành mụn nước và chỉ sau vài giờ mụn nước đã vỡ ra, tạo thành vết loét, nông, hình tròn, đường kính từ 3-12mm. Bờ rất rõ, chung quanh có một gờ màu đỏ tươi hoặc niêm mạc chung quanh bị sung huyết đỏ tấy.

- Mỗi đợt có thể xuất hiện từ 1-3 vết loét, nhưng cũng có thể xuất hiện đồng thời nhiều vết loét. Vết loét thường ở niêm mạc má, miệng, bờ và mặt dưới lưỡi, lợi, sàn miệng, vòm khẩu cái, trụ amydal.

photo-1694967327010

Chứng nhiệt miệng thường do tâm tỳ tích nhiệt gây nên

Theo Đông y, nguyên nhân gây nhiệt miệng thường do tâm tỳ tích nhiệt. Biểu hiện khoang miệng viêm loét, niêm mạc xung quanh các vết loét hơi sưng, đỏ tươi, đau rát miệng... kèm theo các triệu chứng toàn thân sốt nhẹ, khát nước, miệng hôi, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo bón.

1. Bài thuốc sắc trị nhiệt miệng

Thành phần: Nhẫn đông đằng 15g, trúc diệp 10g, bạc hà 6g, chi tử 10g, sinh địa 12g, bồ công anh 15g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày 1 thang, uống trong ngày.

Hoặc dùng bài: Thục địa 24g, sơn thù du 12g, sơn dược 12g, trạch tả 9g, đan bì 9g, phục linh 9g, tri mẫu 8g, hoàng bá 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

2. Trà dược trị nhiệt miệng

Thành phần: Sinh địa 9g, tâm sen 6g, cam thảo 6g. Hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà.

Hoặc dùng: Củ cải tươi 500g, ngó sen tươi 500g. Hai thứ rửa sạch, ép lấy nước cốt, ngậm và uống hàng ngày.

photo-1694967327717

Lá dạ cẩm trị nhiệt miệng

3. Kinh nghiệm dân gian trị nhiệt miệng

- Cách 1: Hái nắm lá dạ cẩm non, rửa sạch, để khô ráo, lấy từng nhúm nhai nát, ngậm một lúc, nuốt nước cốt, bỏ bã, ngày vài lần.

- Cách 2: Lá dạ cẩm tươi 60g, giã nát, lấy nước cốt chấm vào nơi tổn thương miệng và lưỡi (vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi chấm thuốc).

- Cách 3: Lá dạ cẩm khô 25-30g sắc nước uống.

- Cách 4: Dạ cẩm (khô) 100g, cam thảo 12g. Tán bột mịn, trộn đều, bảo quản dùng dần. Mỗi lần 6g hãm nước uống. Ngày 2 lần.

- Cách 5: Dạ cẩm khô 50 -100g, sắc lấy nước, sau đó cho mật ong vào ( tỷ lệ 1:1) cô thành cao lỏng chấm vào nơi tổn thương.

Các trường hợp nhiệt miệng tổn thương ít và nhỏ, người bệnh có thể tham khảo và vận dụng một trong số các bài thuốc trên. Nếu nhiệt miệng lâu ngày không khỏi thì tốt nhất nên đi khám càng sớm càng tốt.

Mời bạn xem thêm video:

Bắp Cải: Món rau lý tưởng cho người trên 50 Tuổi | SKĐS

BS Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn