Cái chết thương tâm của cháu L.V.H. (5 tuổi, ở xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vào cuối tháng 3 vừa rồi vì bị chó dại cắn không tiêm phòng mà điều trị bằng thuốc Nam đã lại gióng lên một hồi chuông báo động về việc người dân quá coi thường sức khỏe và tin vào những lời đồn thổi về “khả năng chữa bách bệnh” của những thầy lang vườn...
Chết oan vì nghe theo tin đồn
Anh Lê Văn Dương và chị Nguyễn Thị Giang - bố mẹ cháu H. cho biết, anh chị nghe hàng xóm nói bị chó dại cắn mà đi tiêm phòng thì dễ bị đần độn, nên đưa đi chữa thuốc Nam. Vì vậy, anh chị đã không cho con đi tiêm phòng mà đưa xuống thầy lang ở Nghi Hương, Cửa Lò (Nghệ An) chữa trị. Tại đây, thầy lang đã lấy thuốc bôi và lá trầu không xát lên lưng cháu rồi cho biết cháu có virut dại. Vợ chồng anh chị đã lấy thuốc hết 350 ngàn đồng về cho con uống. Và cứ sau 10 ngày lại đưa cháu xuống kiểm tra; sau 1 tháng thì thầy lang cho biết cháu đã hết virut song cần kiêng cữ hơi lạnh trong 3 tháng. Tuy nhiên, đến ngày 19/3, cháu H. lên cơn dại. Vợ chồng anh Dương đưa cháu xuống Bệnh viện Sản Nhi để cứu chữa rồi lại đưa ra Bệnh viện Nhi Trung ương song đã quá muộn. Đáng nói là nhiều người bị chó cắn ở xóm này cũng đều đến thầy lang để thử dại và dùng thuốc của ông. Theo thống kê của Trạm y tế xã Thanh Mai: Tính đến ngày 22/3, toàn xã có 53 người bị chó cắn, riêng ở xóm Nam Sơn là 40 người. Trong đó, số người đã tiêm phòng là 17 người, số người chưa tiêm phòng là 36 người. Đáng lưu ý, trong số 36 người chưa tiêm có 22 người sử dụng thuốc Nam để chữa.
Tuyệt đối không dùng thuốc Nam chữa chó cắn. Ảnh: Báo Nghệ An
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bệnh nhân tử vong khi điều trị chó dại cắn bằng thuốc Nam. Trước đó, năm 2016, cũng tại Nghệ An, một phụ nữ 38 tuổi ở xã Hưng Trung, Hưng Nguyên tử vong vì chó dại cắn không tiêm vắc-xin mà dùng thuốc Nam để chữa. Tháng 11/2016, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một thanh niên 36 tuổi ở Ninh Bình bị chó cắn đến thầy lang chữa thuốc Nam, sau đó phát bệnh, gia đình chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới Trung ương thì tử vong.
Mặc dù có nhiều cảnh báo tử vong do chó dại cắn từ việc chữa thầy lang, tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, trong những trường hợp này lại rất khó xử lý đối với thầy lang. BS. Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, khó khăn trong việc xử lý là thiếu bằng chứng. Vì không được xử lý nên dẫn đến tình trạng nhiều thầy lang điều trị bệnh phản khoa học, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó còn là ý thức của người dân. Bởi có trường hợp sau khi bị chó dại cắn, y bác sĩ đã sơ cứu ban đầu, người nhà cần khẩn trương đưa bệnh nhân đi tiêm phòng. Gia đình đồng ý rồi nhưng sau đó lại đưa con đến thầy lang chữa dẫn đến những cái chết thương tâm.
Theo cán bộ Trạm y tế xã Thanh Mai, mặc dù đã tuyên truyền, giải thích về việc tiêm huyết thanh phòng chống bệnh dại, nhưng người dân vẫn sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên nhiều người không tiêm. Tuy nhiên, sau cái chết của cháu H., Trung tâm y tế huyện Thanh Chương phối hợp với trạm y tế và chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động và có 46/53 người bị chó cắn đã đi tiêm phòng dại.
Đông y không có bài thuốc nào chữa bệnh dại
Trao đổi với phóng viên, Lương y Vũ Quốc Trung - Phòng Chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội cho biết, trong Đông y không có bài thuốc nào chữa được bệnh dại do chó, mèo cắn. Về nguyên tắc, người bị chó dại cắn chỉ có biện pháp duy nhất là đi tiêm phòng dại, không nên tin vào lời đồn thổi thuốc Nam có thể chữa bệnh dại để rồi chết oan.
TS. Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: “Tuyệt đối không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut dại gây ra. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại... Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc-xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được”.
Theo đó, ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn, mọi người cần lưu ý rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, cần tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine; cần hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc-xin phòng dại. Trường hợp tử vong do bệnh dại vì không tiêm phòng vắc-xin gặp chủ yếu ở vùng nông thôn - nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại. Người nhiễm virut dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, WHO khuyến cáo, người bị động vật cắn cần được tiêm vắc-xin điều trị dự phòng bệnh dại.