Hà Nội

Chùa Cầu Hội An cần tôn tạo

15-05-2016 08:43 | Xã hội
google news

SKĐS - Chùa Cầu (phố cổ Hội An, Quảng Nam) còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, là linh hồn là biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới – Hội An. Hình ảnh Chùa Cầu còn là ký ức, chứng tích, hoài niệm của thời gian trên phố cổ rêu phong. Du khách đến tham quan, du lịch, nghiên cứu phố cổ mà không ghé thăm Chùa Cầu thì coi như chưa đến. Đến rồi thì luyến lưu, thương nhớ,

“Ai đi phố Hội Chùa Cầu

Để thương để nhớ để sầu cho ai

Để sầu cho khách vãng lai

Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”

Chùa Cầu được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ, các loại vật liệu chính là đá ở phần hạ bộ, vôi vữa ở phần tường và phần thân cầu được làm bằng gỗ, đặc biệt độc đáo nhất là phần đế móng của ngôi chùa được xây dựng bằng đá xếp chồng lên nhau, mà không có chất kết dính.Trải qua hàng mấy trăm năm tồn tại, với sự tác động của thời gian, chiến tranh, thiên tai bão lũ…Chùa Cầu đang có nguy cơ đối mặt xuống cấp, nhiều cấu kiện gỗ tại các vị trí khác nhau trên chùa đã bị hư hỏng, các vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột xuất hiện nhiều chỗ mục, hỏng. Các xà gỗ bị nứt nẻ, cong vênh khiến chúng không thể khớp nối với nhau, hiện phần kết cấu trên của chùa (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu (chùa) đang có độ tách rời, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước mưa, thấm xuống làm ảnh hưởng các cấu kiện bằng gỗ của công trình.


Hơn thế nữa, do sàn chùa làm bằng ván, lại thường xuyên tiếp xúc với giày dép của người tham quan qua lại nên bị mài mòn, lung lay. Ngoài ra, các phần mố trụ đỡ Chùa Cầu còn xuất hiện nhiều vết nứt, loang  lổ, bong tróc vôi vữa. Bên cạnh đó, Chùa Cầu nằm ở vùng có địa hình thấp trũng, lại là vùng hạ lưu của các con sông lớn, trong đó có sông Thu Bồn cho nên triều cường và dòng chảy mạnh, đặc biệt vào  mùa mưa lũ thường xuyên gây ngập lụt kéo dài, cũng là tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của Di sản già nua, cổ kính này. Chúng tôi thả bộ quanh phố cổ và ghé đến “mục sở thị” Chùa Cầu để quan sát, tìm hiểu, trao đổi… Rõ ràng trải qua hơn 400 năm tồn tại, Di sản xuống cấp là điều tất yếu, cái chính là phải biết trùng tu, tôn tạo, bảo quản như thế nào để khỏi biến dạng di sản. Trao đổi với chúng tôi liên quan đến di sản già nua cần tôn tạo, ông Nguyễn Văn Thiên nhà nằm cạnh Chùa Cầu nhận xét: “ Chùa Cầu đã trải qua ít nhất sáu lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy, thì những lần trùng tu tiếp theo nhất thiết cũng phải thực hiện như vậy. Hằng ngày lượng du khách đến du lịch, tham quan Chùa Cầu ngày càng đông. Nhiều đoàn du lịch cùng lưu lại trên di sản khá lâu để nghe thuyết minh, ngưỡng mộ công trình đã tạo nên áp lực lớn lên mặt Chùa. Có thời điểm Chùa Cầu gánh hơn 100 người đứng tham quan, các ngày lễ, tết số lượng người đứng trên Chùa tham quan đông hơn rất nhiều, thậm chí có lúc người đông đến mức phải chen chân trên không gian nhỏ, chật hẹp của sàn Chùa. Với di sản tồn tại hàng mấy trăm năm, thì vấn đề xuống cấp là điều khó tránh khỏi…”. Chị Tôn Nữ Thanh Hoa, hướng dẫn viên du lịch đến từ Tp Huế (Thừa Thiên – Huế) thì bộc bạch: “Tôi thường xuyên đưa du khách tham quan tuyến Huế - Hội An – Mỹ Sơn, một điều hết sức thú vị là khi khách đặt chân lên phố cổ Hội An là họ bảo đưa ngay đến tham quan Chùa Cầu và lưu lại trên Chùa khá lâu để chiêm ngưỡng…Rõ ràng Chùa Cầu có sức hút du khách đến kỳ lạ, mà không nơi nào sánh được. Cho nên khi trùng tu Chùa Cầu nhất thiết phải giữ được cái hồn…”.


Chúng tôi đến Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, nằm trên đường Trần Hưng Đạo gặp ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm để tìm hiểu, trao đổi liên quan về Chùa Cầu và được ông Trung chia sẻ: “Chùa Cầu đặt trên những trụ đá và nằm ở khu vực hạ lưu, có lưu lượng nước chảy mạnh nên vấn đề bảo vệ di tích trong mùa mưa lũ, gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, ngành chức năng Hội An đã triển khai tu bổ những hạng mục như kè gia cố bờ kênh đoạn chảy qua Chùa cũng như tu bổ mố trụ cầu, phần hạ bộ của Chùa tương đối vững, song phần chính của Chùa bao gồm phần dàn gỗ đang bị hỏng hóc ở nhiều hạng mục. Chùa Cầu là di tích đặc biệt quan trọng, là biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An, nên việc bảo vệ, trùng tu được đặt lên hàng đầu và nghiêm ngặt. Có ý kiến của một chuyên gia nước ngoài là đặt di tích trong lồng kính, khách tham quan, chiêm ngưỡng đứng từ bên ngoài, không đi lại trên Chùa nữa”. Cũng theo ông Trung: “Hiện nay có hai quan điểm được đưa ra để trùng tu ngôi chùa này. Quan điểm thứ nhất là trùng tu nhưng vẫn giữ Chùa Cầu là một công trình giao thông, vì đó là một di tích sống. Quan điểm thứ hai là nên xét ở góc độ bảo tồn di sản và về lâu dài phải để du khách: Đứng ở ngoài nhìn vào. Cả hai quan điểm này, cho đến nay sau nhiều năm đưa ra vẫn chưa thống nhất. Trước khi có phương án trùng tu Chùa Cầu, theo tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu đưa ra là cần giảm áp lực lên mặt cầu, như hạn chế lượng người qua lại. Có như vậy, mới bảo đảm an toàn cho công trình cũng như an toàn cho du khách…”


Chùa Cầu – Phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới – mãi mãi là điểm đến không thể thiếu của du khách thập phương, trong hành trình du lịch Miền Trung và Việt Nam. Để gìn giữ Chùa Cầu trước sự “tấn công” của thời gian, thiên tai…Chính quyền, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An và ngành chủ quản liên quan Tp Hội An đã, đang và sẽ có những động thái tích cực, chắc chắn Chùa Cầu sẽ được trùng tu, bảo vệ nghiêm ngặt, gìn giữ tối đa cho hậu thế…Kết thúc bài viết này, xin dẫn lời đầy tâm huyết của ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An: “Mất Di sản là mất Hội An”.


Bảo Ngọc
Ý kiến của bạn