Hà Nội

Chữa cảm lạnh tại nhà bằng những nguyên liệu vô cùng đơn giản

25-01-2025 10:46 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Dịp gần Tết, thời tiết miền Bắc rét sâu có thể làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh. Vậy khi bị cảm lạnh có thể áp dụng những biện pháp đơn giản nào tại nhà?

Theo BS Phan Thị Thu Thảo (Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cảm cúm và cảm lạnh đều là do các tác nhân bên ngoài gây ra các triệu chứng. Vì vậy khi điều trị cảm lạnh sẽ dựa trên các nguyên tắc điều trị chính bằng cách tăng cường tổng thể hoạt động công năng bình thường của cơ thể, khả năng điều tiết, thích ứng với hoàn cảnh, chống lại các yếu tố gây bệnh, bồi bổ cơ thể để nâng cao sức đề kháng. Người bệnh cần giữ ấm các bộ phận trên cơ thể đặc biệt là vùng đầu, cổ, lưng. Ngoài ra có thể vệ sinh phế quản nơi đường vào của các tác nhân bên ngoài. Người bệnh phải lưu ý bảo vệ bằng cách súc miệng, vệ sinh đường mũi họng hoặc xoa bóp vận động nhẹ nhàng các huyệt vị trên cơ thể để lưu thông khí huyết.

BS Phan Thị Thu Thảo tư vấn cách chữa cảm lạnh tại nhà.

Cách chữa cảm lạnh tại nhà

Một số vị thuốc có thể dùng khi bị cảm lạnh. Cách chữa cảm lạnh tại nhà, chữa cảm lạnh theo dân gian. Chữa cảm lạnh bằng gừng: Có thể dùng nước gừng mật ong chanh giúp giảm ho, long đờm và giúp làm ấm cơ thể. Bạn nên uống nước khi còn ấm hoặc sử dụng tỏi nướng pha với mật ong có thể dùng để giảm ho, tiêu viêm và tăng cường sức đề kháng.

Cảm lạnh uống gì? Bài thuốc lá hẹ hấp đường phèn là bài thuốc dân gian rất tốt để điều trị giảm ho do cảm lạnh, có tác dụng giúp long đờm. Quất chưng đường phèn có thể làm giảm ho, long đờm và dịu cổ họng. Nước lá tía tô khi đun lên có thể làm giải cảm, giảm đau đầu giảm các triệu chứng của cảm lạnh.

Chữa cảm lạnh tại nhà bằng những nguyên liệu vô cùng đơn giản- Ảnh 1.

Khi bị cảm lạnh người bệnh cần lưu ý giữ ấm, bồi bổ cơ thể.

Ngoài ra, gừng quế mật ong là những vị thuốc có tính ấm người bệnh có thể sử dụng để giữ ấm cơ thể khi bị cảm lạnh.

Trong đông y gừng được chia làm 2 loại gừng tươi và gừng khô. Gừng tươi có tác dụng chính là kích thích tiêu hóa, chống nôn có tác dụng chính trong điều trị cảm lạnh, khó tiêu, ngộ độc tiêu hóa trong trường hợp ăn các sản phẩm hải sản tanh lạnh giúp chống nôn kích thích đường tiêu hóa và bên ngoài cơ thể. Còn gừng khô có tác dụng điêu trị các chứng hàn sâu bên trong cơ thể như tì vị hư hàn, tiêu chảy do lạnh.

Các đối tượng có thể dùng gừng, quế mật ong là người có cơ địa lạnh: tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt hay bị mệt mỏi, uể oải, lạnh bụng ăn đồ tanh lạnh dễ bị tiêu chảy dễ bị đi ngoài.

Chữa cảm lạnh tại nhà bằng những nguyên liệu vô cùng đơn giản- Ảnh 2.

Nước gừng mật ong chanh giúp giảm ho, long đờm và giúp làm ấm cơ thể.

Người bị cảm lạnh do cảm lạnh, ho do lạnh có triệu chứng hắt hơi sổ mũi có thể dùng trà gừng mật ong hoặc cháo gừng, xông lá gừng. Đau nhức xương khớp do lạnh có thể dùng gừng quế mật ong.

Ai không nên dùng gừng, quế, mật ong? Người nóng dễ ra mồ hôi, thích uống mát hay háo khát hoặc người hay nổi mụn nhọt không nên dùng quá nhiều gừng quế mật ong, những người đang sốt cao và phụ nữ mang thai thì không nên hoặc cần có chỉ định của bác sĩ, trẻ dưới 2 tuổi không nên dùng mật ong vì có thể gây kích ứng, dị ứng.

Ngoài ra những người có bệnh lý về đái tháo đường cũng không nên dùng mật ong.

Xem thêm video được quan tâm:

Gừng : 7 lợi ích sức khỏe tuyệt vời nhiều người có thể không biết | SKĐS


BS Phan Thị Thu Thảo
Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
Ý kiến của bạn