Cháu đá bóng không may bị trẹo chân nên bong gân ở cổ chân. Hiện tại nơi tổn thương bị sưng, đi lại rất khó vì đau. Mong bác sĩ chỉ cho cháu cách chữa bong gân?
Nguyễn Văn Pháp (Bắc Giang)
Bong gân thường xảy ra khi cử động mạnh, đột ngột hay làm một động tác lặp đi lặp lại nhiều lần với cường độ cao. Tùy theo chấn thương mà tổn thương gân với mức nặng nhẹ khác nhau. Bệnh nặng, gân có thể bị rách hoặc đứt. Bệnh nhẹ, gân bị giãn, bị chệch khỏi vị trí ban đầu. Tại chỗ có thể có sưng phù, hạn chế cử động. Về điều trị: nếu bong gân nặng có thể phải phẫu thuật để vá hoặc nối gân. Trường hợp bong gân nhẹ thì chỉ cần nghỉ ngơi, không cử động nhiều ở chi tổn thương, dùng các thuốc chống phù nề, giảm đau chống viêm. Người ta còn dùng các bài thuốc đông y kết hợp để điều trị như: thuốc xoa bóp ngoài da vùng tổn thương, gồm các vị đại hồi, địa liền, thiên niên kiện, quế... mỗi vị 20g, tán nhỏ, ngâm với 500ml rượu trắng có độ cồn 40-45 độ. Khi dùng rót rượu thuốc ra bát nhỏ, dùng bông thấm rượu xoa vào chỗ sưng đau trong 15 phút, ngày làm 3 lần. Thuốc đắp gồm các vị: lá si, lá ngải cứu, lá cúc tần, vỏ cây gạo... mỗi loại 50g, giã nát, tẩm dấm ăn, đun sôi, để nguội đắp lên chỗ sưng đau và băng lại, ngày một lần. Tốt nhất cháu nên khám ở khoa chấn thương của bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng.
BS. Ninh Thanh Tùng