Hà Nội

Chùa Bồ Đề: Vén màn bí mật về 'thiên đường' của trẻ mồ côi

08-08-2014 15:32 | Thời sự
google news

SKĐS - Bức màn bí mật từng bước được vén dần lên, “thiên đường” của trẻ mồ côi, bị bỏ rơi có thật sự là nơi các cháu có một cuộc sống bình yên…

Bức màn bí mật từng bước được vén dần lên, “thiên đường” của trẻ mồ côi, bị bỏ rơi có thật sự là nơi các cháu có một cuộc sống bình yên…

Để rộng đường dư luận, nhằm xác định rõ việc các cháu bé được nhóm thiện nguyện xác nhận là chăm sóc một thời gian dài nhưng cho đến nay “biến mất” không rõ tung tích như bé Tùng Anh, Duy Anh, Mai Anh, Vi Anh, Huy Anh, Việt Anh, PV đã tìm đến một số bảo mẫu đã từng có thời gian dài làm việc tại chùa Bồ Đề. Bức màn bí mật từng bước được vén dần lên, “thiên đường” của trẻ mồ côi, bị bỏ rơi có thật sự là nơi các cháu có một cuộc sống bình yên…

Bảo mẫu thuộc nhiều thành phần, không có chuyên môn.

Gặp cô H và hai phụ nữ tên M và N đã từng có thời gian dài làm việc tại chùa, nằm trong Ban quản lý của nhà Mở, người phụ nữ này tâm sự: Tôi quyết định lên tiếng nói sự thật những gì mắt thấy tai nghe tại chùa Bồ Đề, về nơi gọi là thiên đường của trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, để mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, thanh kiểm tra toàn diện, cho các cháu một cuộc sống tử tế hơn và trả lại sự trong sạch cho cửa chùa".

Theo đó, cô H, M và N làm việc tại nhà Mở, sau đó, họ được chỉ định vào làm trong ban quản lý. BQL sẽ giúp sư thầy quản lý việc quy hoạch lại các cháu theo đúng độ tuổi, kiểm tra trình độ của bảo mẫu, thu nhận quà, tiền từ thiện để phân bổ cho việc chăm sóc các cháu, tuy nhiên, BQL đã vấp phải sự phản đối từ phía những bảo mẫu đủ các thành phần này.

Theo phản ánh, hầu hết các bảo mẫu trong nhà Mở là những người làm mẹ đơn thân hoặc có hoàn cảnh éo le, từ nhiều thành phần trong xã hội đến nương náu cửa chùa. Họ mang bầu, vào chùa sống, sinh con rồi nuôi chính con đẻ của mình cùng các trẻ em khác. Một số người dám thừa nhận con đẻ của mình, nhưng cũng có nhiều người, không ra mặt nhận con, và đứa trẻ, được nhà chùa coi như trẻ vô thừa nhận, trong sổ sách cũng ghi trẻ bị bỏ rơi. Khá nhiều bảo mẫu làm mẹ đơn thân, nương náu trong chùa, khi sinh con xong, viết giấy cho lại sư thầy trụ trì rồi bỏ đi mất tích. Tất cả những đứa trẻ đó, nhà chùa cũng coi là trẻ bị bỏ rơi không có nguồn gốc, mặc dù biết rất rõ mẹ cháu là ai và ở đâu.

Chính vì các bảo mẫu thuộc nhiều thành phần khác nhau, đến chùa để nương tựa chứ không có tâm làm từ thiện nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu nhỏ bị lơ là, không đến nơi đến chốn. Điển hình như bảo mẫu N, được giao trông ba cháu trong đó có một cháu là con của N, nhưng buổi tối, thường gửi các con cho bảo mẫu khác trông hộ, trốn ra ngoài đi chơi.

Có một bảo mẫu tên K, vì cố tình đòi quá nhiều sữa cho các con, nhưng không phải cho các con ăn mà có mục đích khác, khi bị Ban quản lý nhắc nhở, đã dám chửi và đánh lại cả sư bác.

Sáu cháu ăn chung một bát cơm

Một trường hợp điển hình nữa là gia đình nhà bà H, có tới 6 người ở trong chùa gồm cả 2 con gái và cháu ngoại. Như vậy, những thực phẩm lẽ ra được chia đều cho các cháu khác thì những người này chia rất nhiều cho con cháu mình, những đứa trẻ khác ăn đói.

Bảo mẫu H chia sẻ: "Có một cháu gái, tôi còn nhớ rất rõ tên là Kiều Anh, khoảng 2 tuổi được giao cho bảo mẫu H chăm sóc, hàng ngày khi tôi đi qua, nhìn thấy bà H cho cháu của mình ăn sữa, bé Kiều Anh cứ đứng bên cạnh khóc lóc, kêu gào đói quá. Tôi hỏi thì bà H nói rằng: nó bị thần kinh, cứ kêu la suốt ngày như vậy đó. Tuy nhiên, vì rất nhiều lần tôi để ý thấy Kiều Anh chỉ kêu lúc nhìn thấy người khác ăn uống còn bình thường thì không, tôi đã báo cáo, trực tiếp cô H đã theo dõi và đi kiểm tra và phát hiện, bảo mẫu H lấy một tô cơm to và bỏ vào 6 cái thìa để 6 cháu tự xúc ăn. Nhưng với số cơm trong cái tô đó, chỉ đủ cho 3 cháu ăn, chính vì vậy, bị đói nên cháu Kiều Anh mới kêu khóc. Khi được tách ra, cho ăn no, cháu hoàn toàn không còn hiện tượng kêu đói nữa.

Một bảo mẫu từng làm việc tại chùa Bồ Đề.

Bảo mẫu N, người ở chung phòng với đại tổng quản Nguyễn Thị Thanh Trang trong một thời gian dài cho biết: Trang là người khá sắc sảo, học hỏi rất nhanh, Trang có 3 đứa con nhưng hiện tại vẫn đang nhận nuôi thêm cháu trai tên là Tít (được biết là con người anh bị tai nạn đã mất). Trang cũng là người phụ nữ máu lạnh, không hề biết sợ. Đã có lần, các cháu bé bị ốm, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, không qua khỏi, sư trụ trì chưa đưa tiền trả tiền viện phí nên cháu chưa được đưa về an táng, phải để trong nhà xác bệnh viện. Khi Trang nhận chỉ đạo sang đưa xác cháu bé về, vì để một hai ngày nên người quản lý nhà xác không rõ cái xác được để ở vị trí nào nên bảo Trang tự vào, lật hàng chục khay để xác trẻ đã tử vong để nhận diện, một mình Trang vẫn đi từng bàn, lật từng tấm vải phủ để tìm đúng người rồi một mình ôm về chùa an táng.

Liên quan đến việc một số cháu bé hiện được cho là mất tích, chưa tìm thấy và sư trụ trì cũng không rõ ở đâu, bảo mẫu tên N cho biết: Sư thầy không nắm rõ được trong chùa có bao nhiêu cháu bé, ở độ tuổi nào, vì thầy không mấy quan tâm đến điều đó. Tất cả giao cho Trang làm sổ sách, tuy nhiên nếu có việc liên quan đến viết giấy cho nhận các cháu, thường thầy phải có ý kiến Trang mới làm. Nếu có cháu ốm đau hoặc cần chữa trị, phải lên xin ý kiếm của thầy, thường rất lâu sau thầy mới nói đưa đi viện hay để ở chùa. Chính vì thế, nhiều cháu sinh non tháng hoặc yếu, không được chăm sóc chữa trị kịp thời, đã chết ngay tại chùa. Đằng sau chùa có nghĩa trang, ở đấy có khoảng 7-8 ngôi mộ của các cháu đã chết do ốm, bệnh, không biết có cháu nào nằm trong danh sách bị mất tích hay không. Điều này chỉ có Trang là nắm rõ nhất.

Cô H, M, N trong thời gian ngắn làm việc tại Ban quản lý đã lên một danh sách đầy đủ và chính xác các cháu bé được nuôi dưỡng ở chùa, tuy nhiên, danh sách này đã được đưa tới cho Trang trình sư trụ trì, sau đó thì không thấy xuất hiện. Qua tiếp xúc với PV, các cá nhân này khẳng định, sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng cung cấp các thông tin họ biết trong thời gian làm việc tại chùa Bồ Đề với CQĐT.

 

 


Ý kiến của bạn