Chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ bằng phương pháp cứu (Kỳ II)

09-08-2008 06:26 | Y học cổ truyền
google news

Để cứu đạt hiệu quả cao, ngoài việc phải am hiểu bệnh nào nên cứu thì chọn huyệt để cứu phải tuân thủ lý luận của y học cổ truyền.

Để cứu đạt hiệu quả cao, ngoài việc phải am hiểu bệnh nào nên cứu thì chọn huyệt để cứu phải tuân thủ lý luận của y học cổ truyền. Cụ thể cần phải cứu các huyệt theo thứ tự nhất định. Phải cứu các huyệt kinh dương trước, kinh âm sau; cứu trên trước, dưới sau (từ đầu xuống chân); cứu bên trái trước, bên phải sau. Sau khi cứu không nên uống trà ngay vì sợ hỏa khí bị giải; không nên ăn ngay vì sợ kinh khí bị trệ. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi yên tĩnh từ 1-2 giờ.

Sau đây xin được giới thiệu phương pháp cứu một số bệnh tiêu biểu chỉ dùng ít huyệt mà có hiệu quả tốt:

- Điều trị các triệu chứng của bệnh đường tiểu (chứng lâm bế) với các biểu hiện tiểu tiện khó, đái són, đái rắt, đau dọc niệu đạo, đái ra chất đục như nước vo gạo hoặc đái ra máu, người mệt mỏi...

Cách cứu: Rang muối nóng đắp đầy rốn người bệnh rồi cứu liên tục 7 mồi hoặc cứu 3 mồi ở huyệt tam âm giao (vị trí huyệt tam âm giao nằm ở mặt sau trong xương chày, cách chỗ lồi cao nhất mắt cá trong chân lên 3 tấc).

Cứu huyệt đại đô. 

- Chữa chứng đau do thoát vị bẹn, đau từ bụng lan xuống bìu, tiểu tiện són, nhỏ giọt (chứng tiểu trường sán khí): Cứu 3 mồi ngải ở huyệt đại đô (vị trí huyệt: Ở chỗ lõm sau đốt 1 ngón chân cái, nơi tiếp giáp da mu và da lòng bàn chân).

- Bệnh lâu ngày, nóng lòng bàn tay, chân, đổ mồ hôi trộm, người mỏi mệt, đau lạnh các đốt xương, người gầy gò, da vàng: cứu huyệt tâm du, cứ mỗi tuổi thì cứu 1 mồi ngải. (Huyệt tâm du ở ngang đốt sống lưng thứ 5 đo ngang ra hai bên, mỗi bên 1,5 tấc).

- Người bệnh do khí huyết hư nhược gây các chứng nóng âm ỉ trong xương, sốt thành từng cơn kèm ho, ho suyễn, người hư nhược thì cứu 2 huyệt cách du, đởm du, mỗi huyệt 7 mồi ngải (huyệt cách du ở ngang đốt sống lưng 7 đo ngang ra hai bên, mỗi bên 1,5 tấc; huyệt đởm du từ đốt sống lưng 10 ngang ra 1,5 tấc).

- Trẻ con hay khóc đêm: Cứu 3 mồi ở huyệt bách hội (vị trí huyệt là giao điểm của đường thẳng ngang qua chỗ cao nhất của 2 vành tai và đường thẳng đứng đi qua giữa đỉnh đầu).

- Chứng tiêu chảy, nôn mửa, sốt nhẹ, mạch nhỏ, nhanh: cứu huyệt thái khê (ở chỗ lõm sau chỗ lồi cao nhất của mắt cá trong chân 0,5 tấc).

Cứu huyệt dương lăng tuyền.
- Tiểu tiện hay bị són, không tự chủ: cứu hai huyệt âm lăng tuyền và dương lăng tuyền (dương lăng tuyền ở chỗ lõm phía trên xương chày và xương mác, dưới xương bánh chè 1 tấc, còn âm lăng tuyền thì đối diện ở ngang qua mặt trong cẳng chân).

- Phụ nữ sau khi sinh không có sữa: Cứu huyệt chiên trung (ở điểm giữa đường nối hai đầu vú) và châm bổ huyệt thiếu hải (co cẳng tay lên đầu, huyệt ở đầu trong nếp gấp cánh – cẳng tay).

- Phụ nữ sinh ngôi ngang, sa tay (tay của trẻ ra trước): Cứu 3 mồi ở đầu chót ngón chân út thì sẽ đẻ được.

- Vọp bẻ chân (chuột rút) nhiều, uống thuốc không hiệu quả: Cứu 14 mồi ở huyệt thừa sơn (vị trí ở chỗ lõm dưới cẳng chân, giữa cơ sinh đôi ngoài và trong).

- Người nặng nề, ớn lạnh, bụng đầy trướng khó chịu: Cứu 2 huyệt quan nguyên, khí hải (ở đường giữa cách phía dưới rốn 1,5 tấc và 3 tấc).

- Tăng sức đề kháng, kéo dài tuổi thọ: Thường xuyên cứu các huyệt quan nguyên, khí hải, túc tam lý (ngang và cách mào xương chày một khoát ngón tay, dưới đầu gối 3 tấc), nhất là về mùa lạnh.

Có thể kể ra rất nhiều các bệnh mà sử dụng thủ thuật cứu đạt được kết quả tốt. Vì vậy Dương Kế Châu, một danh y nổi tiếng của Trung Quốc có nói: “Phục dược tam niên bất như cứu ngải nhất tráng”, nghĩa là dùng thuốc 3 năm không bằng một mồi ngải cứu.

ThS. Lê Văn Thức


Ý kiến của bạn