Chúng ta vẫn nghĩ chỉ có mơ tam thể là có nhiều ích lợi làm rau thơm gia vị quý, còn mơ không thơm (dây mơ leo), chỉ để leo bờ rào. Nhưng thực ra nó cũng là cây thuốc dân gian chữa nhiều bệnh.
Dây mơ leo còn gọi là kê thỉ đằng, mẫu cẩu đàng. Tên khoa học là Paderia scandens (Lour). Họ cà phê. Mơ leo là loại dây leo, sống nhiều năm, dài 3-5m hoặc hơn, thân lá không có lông, có mùi đặc biệt (không giống mơ tam thể vẫn dùng với thịt chó). Lá có cuống dài 1-2cm, rộng 3-7cm có gốc tròn hay tù, mặt dưới lá không lông, chùy hoa ở nách và 3 ngọn hoa có đài nhỏ, ống tràng to màu tím và có lông mịn ở ngoài, cánh hoa màu vàng ngà, miệng hoa đỏ có lông mịn, nhị năm không thò ra. Quả hạch màu vàng chứa 2 nhân dẹp màu đen.
Tất cả các bộ phận (rễ, cành, lá, hoa, quả) đều được sử dụng làm thuốc, dùng tươi hoặc khô. Mơ leo được xếp vào nhóm thuốc tiêu thực (như sơn tra, mạch nha, thần khúc...). Theo Đông y, mơ leo có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu thực, đạo trê, trừ phong hoạt huyết chỉ thống, trừ thấp, tiêu thũng, giải độc. Chủ trị phong thấp, đau nhức, tả chảy, lỵ, phù thũng, váng đầu, chán ăn, mụn nhọt, lở ngứa, đòn ngã, chấn thương,...
Một số cách dùng dây mơ leo làm thuốc:
Ăn không tiêu gây đau tức thượng vị: Dùng rễ hoặc dây mơ leo tươi 30-60g hoặc 10-20g khô, sắc nước uống trong ngày.
Lỵ trực khuẩn (phân lẫn máu): Lá mơ leo rửa sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà bọc lá chuối nướng, rán khô (không dùng dầu mỡ). Ăn liên tục 2-3 ngày. Hoặc rễ dây mơ leo 100g hầm với thịt lợn nạc để ăn với cơm.
Tiêu chảy: Dây lá mơ leo tươi 30g sắc uống.
Phong thấp đau nhức khớp xương: Rễ hoặc dây, lá 30-60g. Sắc với rượu, trong uống ngoài xoa bóp.
Chấn thương đòn ngã: Rễ cây mơ leo tươi 60g sắc với rượu, trong uống ngoài xoa bóp.
Viêm da thần kinh, chàm, ngứa toàn thân: Ngọn hoặc cành lá non lượng thích hợp giã nát xoa xát vào chỗ tổn thương, ngày vài lần, mỗi lần 5-10 phút.
Zona (giời leo): dây lá mơ leo lượng thích hợp, giã nát xoa xát, đắp lên chỗ bị bệnh, ngày vài lần.
Cam tích trẻ em (suy dinh dưỡng): Dùng rễ hoặc dây, lá mơ leo 30g tươi hoặc 15g khô hầm với dạ dày lợn 1 cái hoặc 2 cái (hoặc với mề gà) chia nhiều lần ăn trong ngày.
Dùng thay cây lá mơ tam thể để làm thuốc chữa bệnh khi cần thiết: Không nên làm rau thơm gia vị thay mơ tam thể vì cảm quan không đẹp, mùi không thơm như lá mơ tam thể.
Ngược lại cây mơ tam thể lại có thể vừa làm thức ăn, vừa làm thuốc nên nếu trồng trong vườn thuốc Nam mẫu thì trồng cả 2 cây để phân biệt hình thái và cách dùng.