Số liệu mới nhất Sở Y tế TP.HCM vừa công bố, người cao tuổi sống tại TPHCM mắc nhiều bệnh lý trong đó đứng đầu là tăng huyết áp. Căn bệnh này được coi là "kẻ giết người thầm lặng". Chính vì vậy, việc hiểu biết một cách đầy đủ về bệnh sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, điều trị có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.
Thế nào là tăng huyết áp?
Đo huyết áp là phương pháp duy nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tối đa >140mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu >90mmHg.
Điều trị tăng huyết áp thế nào?
Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi, điều trị đúng, điều trị suốt đời.
Khi điều trị tăng huyết áp nguyên tắc chung là: đạt trị số huyết áp mục tiêu và giảm tối đa nguy cơ tim mạch.
- Huyết áp mục tiêu cần đạt:
• Tăng huyết áp đơn thuần: <140/90 mmHg và thấp hơn nữa tùy theo cá nhân người bệnh dung nạp được.
• Tăng huyết áp kèm bệnh thận mạn: đích HA <140-130 / 80-70 mmHg.
• Tăng huyết áp kèm bệnh đái tháo đường: đích HA <140/90 (130/80) mmHg.
Khi huyết áp mục tiêu đã đạt được cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài, tái khám định kỳ, đúng hẹn để điều chỉnh thuốc kịp thời.
Các biện pháp điều trị thay đổi lối sống cũng cần được áp dụng
Áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển bệnh tăng huyết áp, góp phần đạt huyết áp mục tiêu, giảm số thuốc cần dùng.
- Chế độ ăn hợp lý, giảm ăn mặn: <6g muối/ngày hay 1 thìa café muối mỗi ngày.
- Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi.
- Hạn chế thức ăn có nhiều mỡ bão hòa.
- Duy trì cân nặng với chỉ số BMI: từ 18,5 – 22,9 kg/m2.
- Duy trì vòng bụng <90cm ở nam và <80cm ở nữ.
- Hạn chế bia rượu: số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) - 1 cốc chuẩn chứa 10 ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh.
- Ngừng hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút/mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng quá độ: lưu ý thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh lạnh đột ngột.
Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc
Hiện nay, có rất nhiều các nhóm thuốc khác nhau để các bác sĩ lựa chọn trong quản lý tăng huyết áp, tất cả các thuốc này nhìn chung đều an toàn, hiệu quả và đã được chứng minh giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng ở bệnh nhân tăng huyết áp.
Tăng huyết áp độ 1:
Có thể lựa chọn một thuốc trong số các nhóm: lợi tiểu thiazide liều thấp; ức chế men chuyển; ức chế thụ thể angiotensin, chẹn kênh canxi loại tác dụng kéo dài; chẹn beta giao cảm (nếu không có chống chỉ định).
Tăng huyết áp từ độ 2 trở lên:
Nên phối hợp 2 loại thuốc (lợi tiểu, chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II, chẹn beta giao cảm).
Từng bước phối hợp các thuốc hạ huyến áp cơ bản, bắt đầu từ liều thấp như lợi tiểu thiazide (hydrochlorothiazide 12.5mg/ngày), chẹn kênh canxi dạng phóng thích chậm (nifedipine chậm (retard) 10-20mg/ngày), ức chế men chuyển (enalapril 5mg/ngày; perindopril 2,5-5 mg/ngày…).
- Quản lý người bệnh ngay tại tuyến cơ sở để đảm bảo bệnh nhân được uống thuốc đúng, đủ và đều; đồng thời giám sát quá trình điều trị, tái khám, phát hiện sớm các biến chứng và tác dụng phụ của thuốc.
- Nếu chưa đạt huyết áp mục tiêu: chỉnh liều tối ưu hoặc bổ sung thêm một loại thuốc khác cho đến khi đạt huyết áp mục tiêu.
- Nếu vẫn không đạt huyết áp mục tiêu hoặc có biến cố: cần chuyển tuyến trên hoặc gửi khám chuyên khoa tim mạch.
Căn cứ vào mức độ tăng huyết áp, vào cơ địa, tuổi và các bệnh phối hợp khác trên từng người bệnh mà người thầy thuốc sẽ quyết định lựa chọn loại thuốc nào (1 thuốc hay phối hợp 2 – 3 loại thuốc) để có thể đạt hiệu quả điều trị cao nhất và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Không phải bất kỳ loại thuốc điều trị huyết áp nào cũng có thể uống cùng với nhau. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Tóm lại: Tăng huyết áp xảy ra khi cơ thể chúng ta đã không tự điều hòa được con số huyết áp ở mức tối ưu. Việc điều trị là giúp cơ thể duy trì được con số huyết áp thường xuyên ở mức tối ưu để không gây ảnh hưởng đến các mạch máu và cơ tim. Vì vậy theo dõi và điều trị tăng huyết áp cần liên tục, lâu dài (suốt đời).
Mặt khác tăng huyết áp lại là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, phình tách động mạch chủ và suy thận. Do đó trong việc theo dõi điều trị tăng huyết áp ngoài mục đích đưa con số huyết áp về mức tối ưu (huyết áp "đích" ) thì mục tiêu lâu dài và quan trọng là ngăn ngừa để người bệnh không bị các biến chứng nêu trên của tăng huyết áp.
Để việc điều trị có hiệu quả các bạn cần tuân thủ các thuốc theo đơn của bác sĩ. Khi có tác dụng phụ hay bất thường cần báo bác sĩ để điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Không tự ý giảm thuốc, ngừng thuốc, hay tăng thuốc.
Không có một công thức dùng thuốc chung cho mọi bệnh nhân. Mỗi người là một cá thể riêng lẻ, có đặc điểm riêng. Việc điều trị cần phù hợp với từng người.