Ông Nam đang nằm điều trị tại bệnh viện, được vài hôm bệnh của ông đã đỡ, bác sĩ chuyển thuốc uống cho ông và về nhà điều trị ngoại trú. Uống ngày thứ nhất đến ngày thứ hai ông thấy nóng rát ở vùng cổ, đau và không nuốt được. Thấy vậy, người nhà lại đưa ông tới bác sĩ. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết ông bị viêm thực quản. Tìm hiểu nguyên nhân được biết, ông uống thuốc không dùng nước, chỉ nuốt khan viên thuốc, thậm chí nhiều loại thuốc cùng một lúc đã khiến cho thuốc không xuống được dạ dày mà dính lại ở thực quản, kết quả gây viêm thực quản do sự kích ứng của thuốc.
Một trường hợp khác, chị Hoa có con 3 tuổi, thấy con gầy gò nhỏ bé hơn những trẻ cùng lứa, nghe mấy chị hàng xóm nói có khi cháu bị còi xương, chị bèn đi mua một lọ canxi D cho con uống. Theo hướng dẫn thì mỗi lần uống một thìa cà phê. Song, mỗi lần uống thuốc chị không lấy thìa mà cho con tu ngay vào miệng lọ thuốc rồi dặn con uống mỗi lần một ít. Thế là những lần sau đó, cháu cứ tự uống như vậy. Có khi ngày nhớ ra thì uống, ngày không nhớ thì thôi. Thời gian sau (lúc này lọ thuốc đã gần hết) tự nhiên cháu bị đau bụng, đi ngoài. Sờ đến lọ thuốc thì thuốc đã ngả màu vàng và có mùi rất khó ngửi. Thì ra thuốc đã bị nhiễm khuẩn do cháu dùng miệng tu lọ thuốc. Chính sự biến chất này đã làm cho cháu bị đau bụng và đi ngoài.
Không chỉ có hai trường hợp trên mà trong cuộc sống còn rất nhiều trường hợp khi chữa bệnh lại mắc thêm bệnh chỉ vì không biết cách uống thuốc. Để tránh tình trạng trên, khi uống thuốc viên cần phải uống với nhiều nước, uống bằng nước đun sôi để nguội để thuốc có thể trôi xuống dạ dày. Đối với trẻ em, khi uống thuốc dưới dạng sirô hay dịch uống cần tuân thủ uống bằng thìa theo hướng dẫn sử dụng. Tránh cho miệng tu vào dễ gây nhiễm khuẩn thuốc như trường hợp con chị Hoa, hơn nữa lại khó xác định được liều lượng mỗi lần uống.