Chữa bệnh được tặng tiền: Lỗ hổng trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

30-03-2016 07:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Nói đến biến tướng bán hàng đa cấp (BHĐC), dư luận trong nước còn chấn động khi chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, Công ty Liên kết Việt đã lừa đảo hơn 45.000 người với số tiền trên 1.900 tỷ đồng. Đây là hồi chuông báo động không chỉ cho các nạn nhân vì nhẹ dạ cả tin sập bẫy BHĐC lừa đảo mà còn cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về hoạt động BHĐC.

*Biến tướng của bán hàng đa cấp

Về chương trình khuyến mãi (KM) tặng tiền của 10 cơ sở tại Lâm Đồng (Đà Lạt 2 cơ sở) thuộc Công ty TNNH Thiên Ngọc Minh Uy (Cty TNMU) có hợp pháp hay không? Chúng tôi làm việc với Sở Công thương Lâm Đồng, qua kiểm tra hồ sơ, đại diện Sở Công thương cho biết: Đã tiếp nhận 2 hồ sơ thông báo thực hiện KM của Cty TNMU có địa chỉ A6/D11 A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy –Hà Nội, thời gian KM từ 1/3/2016 -1/3/2017 trên phạm vi tỉnh Lâm Đồng với Chương trình KM mang tên: “Ngọc Hầu Đằng Tường” hình thức KM tặng tiền mặt (500.000; 3.500.000; 16.000.000 đồng) và Chương trình KM: “Hầu Phụng Diệu Minh” tặng tiền mặt (500.000; 3.500.000; 21.000.000 đồng) theo doanh số bán hàng dành cho khách hàng thường xuyên; hàng hóa, dịch vụ KM là tất cả các loại hàng hóa đang bán tại Cty; đối tượng được hưởng KM là: Chuyên viên kinh doanh (khách hàng) của Cty. Nội dung chi tiết của chương trình KM như sau: Chuyên viên kinh doanh (khách hàng) tiêu dùng tiếp thị đạt doanh số 13 triệu đồng trở lên thì sẽ được đăng ký tham gia vào chương trình KM mà Cty đang thực thi. Để Chuyên viên kinh doanh (khách hàng) đạt được số tiền thưởng là 500.000 đồng thì tính từ lúc Chuyên viên kinh doanh (khách hàng) tham gia vào Cty mà doanh số từng khu vực (phân theo tỉnh, thành) phải đạt được là 78 triệu đồng trở lên. Tương tự khi doanh số từng khu vực của Cty đạt 468 triệu đồng thì Chuyên viên kinh doanh (khách hàng) sẽ nhận tiền thưởng 3.500.000 đồng và để đạt số tiền thưởng 16.000.000 đồng thì doanh số của từng khu vực phải đạt 2,808 tỷ đồng.

Đại diện Sở Công thương Lâm Đồng trả lời: Theo Thông tư 07 liên tịch Bộ Thương mại –Bộ Tài chính (ngày 6/7/2007) Hướng dẫn thực hiện một số điều về KM, hội chợ, triển lãm, thương mại quy định tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/4/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại thì việc KM tặng tiền của Cty TNMU thuộc hình thức KM phải được thông báo bằng văn bản đến Sở Thương mại nơi tổ chức KM. Như vậy, Cty TNMU đã thực hiện đúng, có thông báo văn bản 2 chương trình KM đến Sở Công thương Lâm Đồng và trách nhiệm của Sở là làm Biên nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo nội dung thực hiện KM của Cty TNMU.

Vấn đề là các sản phẩm thuộc chương trình KM mang tên “Hầu Phụng Diệu Minh” và “Ngọc Hầu Đằng Tường” của Cty TNMU tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng là gì thì Sở Công thương không thể biết được, thậm chí Sở cũng không biết địa chỉ 10 cơ sở của TNMU tại Lâm Đồng vì Cty này không công bố địa chỉ các cơ sở hoạt động tại địa bàn tỉnh. Về chất lượng mặt hàng, cụ thể là 11 liệu trình dưỡng sinh đông y đang KM tặng tiền mặt 45 triệu đồng/gói có đảm bảo chất lượng và có tính hợp pháp hay không? BS Đồng Sĩ Quang, Trưởng Phòng nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế Lâm Đồng khẳng định: Sở không cấp giấy phép hoạt động dưỡng sinh đông y chăm sóc sức khỏe của Cty TNMU. Năm ngoái, Sở Y tế đã phối hợp với ngành chức năng (Công an –Quản lý thị trường) kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính của các cơ sở thuộc Cty TNMU về hoạt động chăm sóc sức khỏe trái phép tại địa bàn tỉnh (Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc).

 

Đại hội thù lao của Cơ sở Hoàng Phi Đà Lạt thuộc Cty TNMU mới vừa diễn ra  ngày 16-3 không thông báo cho Sở Công thương Lâm Đồng.

 

Vụ việc điển hình là: Tháng 3/2015, Chi cục Quản lý Thị trường phối hợp cùng Phòng PC 46 Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra hành chính đối với cơ sở Phụng Thìn -268 Trần Phú –Lộc Sơn –Bảo Lộc thuộc Cty TNMU phát hiện BHĐC khi chưa có giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định đối với cơ sở; phạt hành chính cơ sở này số tiền 45.400.000 đồng, tịch thu 15 chậu ngâm chân trị giá 3 triệu đồng.

*Khó kiểm soát bán hàng đa cấp

Trong 2 năm (2014 -2015), Sở Công thương Lâm Đồng đã xác nhận thông báo BHĐC cho 27 doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp có thông báo địa chỉ hoạt động của đại diện Cty và 25 doanh nghiệp không thông báo địa chỉ của đại diện Cty tại địa bàn Lâm Đồng. Đây là lỗ hổng lớn trong quản lý nhà nước về BHĐC tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung. Cho nên các hoạt động biến tướng của BHĐC như vòi bạch tuộc, chặt ở đầu này thì lại mọc ra ở nơi khác, lợi dụng việc bán hàng để huy động vốn từ khách hàng nhẹ dạ cả tin (như vụ Liên kết Việt), khi vỡ ra thì ngành chức năng mới biết. Sở Công thương cũng đã xác nhận thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo cho 4 doanh nghiệp BHĐC với tổng số lần hội nghị là 56 lần. Trong thực tế qua tìm hiểu của chúng tôi, riêng các cơ sở của Cty TNMU tại Lâm Đồng một tháng tổ chức 4 kỳ đại hội gồm: Đại hội KM, Đại hội thù lao, Đại hội tiền thưởng, Đại hội tiệc trà dưỡng sinh nhưng Sở Công thương không biết.

 

 

Năm 2015 chỉ có 10/27 doanh nghiệp thông báo BHĐC trên địa bàn tỉnh thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm cho Sở Công thương. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp báo cáo không đầy đủ nội dung báo cáo như: Thiếu danh sách nhà phân phối, địa chỉ thường trú, sản phẩm và doanh thu bán hàng của nhà phân phối chưa được nêu cụ thể, chi tiết có danh mục kèm theo. Các doanh nghiệp đa cấp chủ yếu kinh doanh các mặt hàng: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, trong đó mặt hàng thực phẩm chức năng có trên 80% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp và phát triển mạng lưới BHĐC tại Lâm Đồng. Theo Sở Công thương, năm 2015, qua thống kê của 10/27 doanh nghiệp đa cấp có báo cáo doanh thu đạt 71,6 tỷ đồng với 1.795 sản phẩm, 5.617 người tham gia BHĐC, tổng hoa hồng, tiền thưởng/lợi ích kinh tế gần 15 tỷ đồng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHĐC là 55,4 triệu đồng (trong đó xử phạt Cty TNMU 45,4 triệu đồng và Cty TNHH Thương mại Vision Việt Nam 10 triệu đồng). Riêng Cty TNMU có doanh thu bán hàng 25,7 tỷ đồng, 559 người tham gia BHĐC và hoa hồng tiền thưởng 7,4 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại –Sở Công thương cho biết khó khăn trong quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp tại Lâm Đồng là: Hoạt động BHĐC được thực hiện thông qua mạng lưới những người tham gia cá nhân, không có địa điểm kinh doanh cố định gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời  dễ phát sinh những diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật. Thông tư hướng dẫn trách nhiệm của doanh nghiệp BHĐC báo cáo định kỳ nộp cho Sở Công thương chưa quy định rõ ràng, đầy đủ. Do vậy, doanh nghiệp báo cáo còn sơ sài, mang tính đối phó về doanh thu bán hàng của nhà phân phối làm khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý và kiểm tra.

Theo ghi nhận của Sở Công thương, trong thời gian qua hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trên địa bàn còn một số sai phạm như: Kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không thông báo với Sở Công thương địa phương gây khó khăn cho công tác quản lý, nhiều trường hợp dẫn đến lừa đảo người tham gia. Chưa chấp hành đầy đủ các yêu cầu pháp luật đặt ra trong quá trình kinh doanh, không tuân thủ đúng các nội dung đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về Chương trình bán hàng, cách thức trả thưởng… Thông tin sai lệch về tính năng, công dụng sản phẩm, cũng như lợi ích của việc tham gia mạng lưới gây nhầm lẫn cho người tham gia BHĐC và người tiêu dùng. Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo không đúng nội dung, địa điểm tổ chức như đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời gian tới, bên cạnh hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát, việc tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHĐC của các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nhằm giúp nâng cao nhận thức của xã hội về phương thức kinh doanh này, góp phần hạn chế những mặt trái tiêu cực, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Phóng sự điều tra: AN NHIÊN
Ý kiến của bạn