Những cái chết tức tưởi
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, từ đầu 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, TP. Cùng với đó là trên 140.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại. Qua công tác giám sát chủ động, đã phát hiện 33 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dại tại 6 tỉnh gồm: Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Vừa qua, một vụ việc đau lòng xảy ra, chị T. 35 tuổi (Cao Bằng) đã trút hơi thở cuối cùng sau khi lên cơn dại. Nhà chị Chị T. có mua một con chó về làm thịt, không may chị bị chó cắn vào cẳng chân phải. Vết cắn nông, chảy ít máu. Nghe lời mách bảo, chị T. nhờ chồng đưa chị tới nhà ông lang thử chó dại. Thầy lang nói chị T. không bị dại.
Tuy biết mức độ nguy hiểm của việc nhiễm bệnh dại nhưng chị T. lo sợ nếu tiêm phòng vắc-xin dại, chị sẽ mất sữa và đứa con nhỏ của chị không được bú sữa mẹ. Chồng chị T. đã đưa chị đi tiêm phòng dại nhưng chị T. khăng khăng từ chối vì tin vào lời thầy lang cộng với việc lo mất sữa, chị đã nhảy khỏi xe máy của chồng trên đường đưa chị đi tiêm phòng.
Hơn 10 ngày trước khi chị T. mất, chị bị đau chân, chóng mặt, buồn nôn và lên cơn co giật. Khi đưa chị T. lên bệnh viện địa phương, các bác sĩ cho biết dấu hiện của chị H. là dấu hiệu lên cơn dại. Sau khi xuất hiện triệu chứng co giật do bị nhiễm virut dại 2 ngày, chị T. đã tử vong.
Bất cứ loại chó nào (dù chó to hay nhỏ) cũng có thể bị dại nếu chưa được tiêm phòng
Tháng 3/2021, 2 trường hợp khác cũng tử vong do bệnh dại tại Đắk Lắk. Đó là anh N.Đ.H. (20 tuổi, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) bị chó nhà hàng xóm cắn ở ngón tay cái và ngón trỏ khoảng 1 tháng trước. Sau 2 ngày, con chó này chết nhưng anh H. không đi tiêm phòng bệnh chó dại. Tới ngày 20.3, anh H. xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng.
Ngày 22/3, bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn, nhiễm trùng không rõ tiêu điểm. Đến khoảng 22h cùng ngày, người nhà xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM. Sáng 23/3, người nhà xin cho anh H về và anh H. đã tử vong không lâu sau đó.
Một trường hợp khác là người đàn ông 40 tuổi (xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột). Khoảng tháng 1/2021, người này bị một con chó nhỏ cắn nhưng không đi tiêm phòng. Đến 11/3, bệnh nhân được người nhà đưa vào BVĐK vùng Tây Nguyên trong tình trạng không ăn uống được, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, kích thích và được các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Sau đó, người nhà chuyển bệnh nhân đi điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM. Ngày 12/3, người nhà bệnh nhân xin cho xuất viện và sau đó đã tử vong.
Chưa có bất cứ bài thuốc Đông y nào chữa được bệnh dại
TTND Trần Văn Bản – Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định: Hiện nay, trong nước cũng như thế giới, chưa có một bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố sẽ chữa được bệnh dại. Các biện pháp cạo da, dùng các bài thuốc làm từ lá cây của các thầy lang bôi vào da để thử dại không có tác dụng.
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vi rút dại vốn là vi rút ẩn không thể xét nghiệm khi nạn nhân chưa phát bệnh. Khi phát bệnh dại cũng là lúc bệnh nhân đối diện với cái chết. Đây là vấn đề từ lâu vẫn làm đau đầu các nhà khoa học thế giới.
Hiện nay, trong nước cũng như thế giới, chưa có một bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố sẽ chữa được bệnh dại. (Hình: minh họa)
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, hiện nay, chỉ có một cách duy nhất để không bị tử vong sau khi bị chó mèo cắn là tiêm phòng bệnh dại. vắc xin dại an toàn với sức khỏe, không ảnh hưởng tới sữa mẹ và trẻ nhỏ bú sữa mẹ nếu tiêm vắc xin dại.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp cho hay, người bị chó dại cắn, nếu không tiêm phòng có thể bị phát bệnh dại trong vòng 3-6 tháng. Rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn hoặc sau vài năm mới phát bệnh. Khi phát bệnh dại có 2 thể bệnh chính. Thể viêm não và thể liệt.
Với thể viêm não, người bệnh khởi đầu có cảm giác dị cảm nơi vết cắn, mất ngủ, bồn chồn. Sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước. Bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ.
Ngoài ra đồng tử sẽ giãn nên nhìn mắt bệnh nhân sáng long sòng sọc. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Cách duy nhất để không bị tử vong sau khi bị chó mèo cắn là tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ảnh minh họa
“Bệnh nhân khi thấy gió hoặc thậm chí chỉ nghe thấy tiếng nước chảy, gió thổi cũng rất sợ. Nguyên do virus dại làm tăng hoạt tính hệ NMDA trong não, làm tăng khả năng nhận kích thích của tế bào não. Khi đó những âm thanh, ánh sáng bình thường nhưng có thể tác động giống như tiếng sét, ánh chớp với người bệnh” - BSCKII Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Với thể liệt, người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân tử vong.
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virut, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh như chó, mèo, chồn, cáo. Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, không phải 100% số người bị cắn đều phát bệnh dại mà có người bị, người không, tùy thuộc lượng vi rút trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.
“Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, và khi đã phát bệnh dại nhìn chung tử vong gần 100%. Cách duy nhất để phòng bệnh là tiêm vắc xin phòng dại.”- BSCKII Nguyễn Trung Cấp một lần nữa nhấn mạnh.
Người dân khi bị chó nghi dại cắn, phải tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt.