Mặc dù nghiên cứu chính thức về lợi ích của liệu pháp mùi hương còn hạn chế, song một số bằng chứng cho thấy phương pháp điều trị này có thể làm giảm buồn nôn, lo lắng, giảm đau và các tình trạng khác...
Tác dụng của liệu pháp mùi hương
Liệu pháp mùi hương được cho là có từ hơn 3.500 năm trước Ai Cập cổ đại, chủ yếu sử dụng tinh dầu thơm, được chiết xuất thực vật nguyên chất, có thể khắc phục nhiều bệnh. Mỗi loại dầu khác nhau được khuyến nghị cho các triệu chứng khác nhau. Trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe phương Tây hiện đại, liệu pháp mùi hương thường được sử dụng cùng với các loại thuốc thông thường, chẳng hạn như thuốc chống buồn nôn và lo lắng hoặc thuốc giảm đau.
Trong phân tích của 12 nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, liệu pháp mùi hương có tác dụng giúp giảm đau cấp tính như đau do chấn thương, đau bụng kinh, chuyển dạ, đau sau sinh hoặc đau sau phẫu thuật. Liệu pháp mùi hương ít hữu ích cho những người bị đau mạn tính. Việc điều trị cũng làm giảm bớt sự lo lắng của các nhóm bệnh nhân bỏng, phụ nữ chờ sinh thiết vú và bệnh nhân được lọc máu. Một số nghiên cứu cho thấy nó cũng có thể làm giảm buồn nôn sau phẫu thuật.
Bạn có thể dùng liệu pháp này bằng việc hít mùi thơm của tinh dầu thông qua hơi nước, máy khuếch tán, xịt, thấm vào một quả bóng bông hoặc dùng tinh dầu để tắm, massage...
Tinh dầu oải hương giúp thư giãn.
Lưu ý khi sử dụng
Rod Rodgers - một nhà trị liệu bằng hương thơm tại Phòng khám Mayo ở Rochester cho hay, nếu bệnh nhân lo lắng, có thể thư giãn bằng hoa oải hương. Nếu buồn nôn thì đó sẽ là gừng hoặc bạc hà. Bệnh nhân có thể hít mùi thơm của tinh dầu hoặc bôi dung dịch pha loãng lên da bằng cách xịt, tắm hoặc mát-xa. Tại Mayo, bệnh nhân nhận được một vài giọt tinh dầu quy định trên một quả bóng bông được niêm phong trong một túi zip-top. Họ chỉ cần kéo nó dưới mũi trong khoảng 3 - 5 phút, nửa giờ sau thử lại. Bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, ngoài việc được cung cấp dầu để hít còn có thể bôi dầu lên da.
Các loại tinh dầu phải được pha loãng để đảm bảo an toàn bởi tinh dầu nguyên chất, không pha loãng có thể gây kích ứng da. Lưu ý, không được uống tinh dầu tinh khiết. Trong 5 năm qua, các trung tâm kiểm soát chất độc của Hoa Kỳ đã nhận được 83.338 cuộc gọi về việc tiếp xúc với tinh dầu, bao gồm uống dầu, bôi quá nhiều lên da hoặc bôi vào mắt. Trong đó, có 1.162 trường hợp sốt cao, mất phương hướng, co giật hoặc ngừng tim, có tới 4 người chết vì tiếp xúc với tinh dầu.
Cho đến nay, các nghiên cứu về liệu pháp mùi hương còn hạn chế. Việc chiết xuất thực vật cũng khác nhau dựa trên vị trí, cách thức cây được trồng, cách chế biến, đóng gói và lưu trữ dầu. Vì vậy, rất khó để chuẩn hóa dầu để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có được những tác dụng như nhau. Thậm chí, ngay cả với một loại dầu được tiêu chuẩn hóa cũng khó có thể chứng minh liệu chính mùi hương đó có gây ra bất kỳ thay đổi nào trong những người tham gia nghiên cứu hay không.
Có nên thử ở nhà?
Tự mình thử nghiệm các loại tinh dầu tại nhà có thể không mang lại hiệu quả tương tự như ở một cơ sở chăm sóc sức khỏe chuyên khoa. Nếu bạn muốn mua các loại tinh dầu cho sử dụng cá nhân, hãy là người tiêu dùng thông thái. Hãy lựa chọn loại tinh dầu chính hãng, không pha trộn và được chứa trong một chai tối. Nhãn phải bao gồm: tên cây Latin như lavandula angustifolia cho hoa oải hương; dầu được chiết xuất như thế nào (chưng cất hoặc ép); nơi sản xuất; nơi trồng cây chiết xuất ra tinh dầu...; phải đảm bảo đây là tinh dầu nguyên chất 100%; phải có con dấu chất lượng như được chứng nhận GRAS (thường được công nhận là an toàn) hoặc USP (Dược điển Hoa Kỳ)...