Chữa bệnh bằng hoa cúc ngày Tết

SKĐS - Theo các chuyên gia phong thủy, cúc là loài hoa tượng trưng cho phẩm chất cao đẹp, trường thọ, phúc lộc và niềm an vui.

Theo các chuyên gia phong thủy, cúc là loài hoa tượng trưng cho phẩm chất cao đẹp, trường thọ, phúc lộc và niềm an vui. Chính vì lẽ đó mà cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người ta lại dùng những chậu cúc xinh tươi đặt trước cổng và thềm nhà với mong muốn về một năm mới dồi dào sức khỏe, tăng thêm phúc lộc. Ngoài dùng làm cảnh, hoa cúc còn nổi tiếng là vị thuốc y học cổ truyền với nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời.

Hoa cúc và các dược tính y học

Hoa cúc có nhiều loại khác nhau, nhưng có hai loại thường được dùng nhiều nhất trong y học là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng.

Theo y học cổ truyền, cúc hoa trắng vị đắng, tính bình (Bản Kinh), vị ngọt, không độc (Biệt Lục), vị đắng mà ngọt, tính hàn (Thang Dịch Bản Thảo); quy vào các kinh phế, tỳ, can, thận; có tác dụng tán phong thanh nhiệt, bình can, minh mục, giải sang độc. Cúc hoa vàng vị đắng cay, tính ôn, quy vào 3 kinh phế, can, thận, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, minh mục, giáng áp. Cả hai thường được sử dụng để chữa các chứng cảm lạnh, sốt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Uống lâu ngày lợi huyết, có tác dụng về nội tiết làm trẻ lâu.

Ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh được một số tác dụng của hoa cúc như: Tác dụng hạ huyết áp trên động vật thực nghiệm và thử nghiệm lâm sàng trên người có bệnh tăng huyết áp; tác dụng chữa cảm phong hàn (từ bài thuốc gồm cúc hoa vàng cùng với 5 vị thuốc khác) làm hết sốt ở 80% số bệnh nhân sau ngày điều trị thứ nhất; tác dụng chống viêm kháng khuẩn từ hoạt chất được chiết xuất từ hoa cúc (ức chế khá mạnh các chủng vi khuẩn như phế cầu, liên cầu khuẩn tan máu, tràng cầu khuẩn, tụ cầu vàng, các trực khuẩn lỵ Shiga, Sonne, trực khuẩn subtilis, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli…); tác dụng tăng cường thị lực và tác dụng an thần ở những bệnh nhân suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng do sang chấn tinh thần.

Cúc hoa trắng (bạch cúc).

Cúc hoa trắng (bạch cúc).

Bài thuốc từ hoa cúc chữa nhiều bệnh:

Chữa ho, sốt, cảm:

Bài thuốc “Tang cúc ẩm” trị sốt, ho, cảm mạo: cúc hoa vàng, lá dâu mỗi vị 6g; liên kiều, bạc hà, cam thảo, cát cánh mỗi vị 4g, sắc cùng 600ml nước đến khi còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa cảm sốt: cúc hoa vàng, địa liền mỗi vị 5g; cúc tần, lá tre, bạc hà, kinh giới, tía tô, cát căn mỗi vị 20g. Tán thuốc bột hoặc chế thành thuốc viên, uống mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 4 - 6g.

Chữa cảm phong hàn (chủ yếu có cảm giác lạnh): cúc hoa vàng 5g, địa liền 5g; bạc hà, kinh giới, tía tô, cát căn mỗi vị 20g. Sắc uống.

Trị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, suy nhược thần kinh và các chứng bệnh về mắt:

Bài thuốc “Kỷ cúc địa hoàng hoàn” trị mắt khô, hoa mắt, chóng mặt: kỷ tử 20g, thục địa 32g; cúc hoa vàng, đan bì, phục linh, trạch tả mỗi vị 12g; sơn thù, hoài sơn mỗi vị 6g. Các dược liệu sấy khô, tán nhỏ, luyện mật, vo viên bằng hạt ngô, ngày dùng 3 - 4 lần, mỗi lần 16 - 20 viên. Nếu sắc uống thì mỗi loại giảm bớt 1/6.

Bài thuốc “Cúc hoa trà điều tán” trị hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ, mũi tắc: cúc hoa vàng, xuyên khung, kinh giới, bạc hà, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, cam thảo, bạch chỉ, tế tân, khương tàm (các vị bằng nhau). Trộn đều, tán nhỏ, mỗi lần uống 4 - 6g, sau bữa ăn, dùng nước chè chiêu thuốc.

Trị chóng mặt theo “Thái Thanh Kinh Bảo Phương”: bạch cúc hái vào ngày trùng cửu – ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, lấy hoa 2 cân; phục linh 1 cân, tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 8g với rượu nóng.

Bài thuốc “Cấp cứu phương” trị mắt có màng mộng sau khi bị bệnh: bạch cúc hoa, thuyền thoái, 2 vị lượng bằng nhau, đem tán bột. Mỗi lần dùng 2 - 12g trộn với một ít mật, sắc.

Bài thuốc “Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị” chữa âm hư hỏa vượng (triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai hay quên, hồi hộp, hay xúc động, ít ngủ, miệng khô, táo bón, nước tiểu đỏ): cúc hoa vàng 8g; kỷ tử, thục địa, hoài sơn, câu đằng, sa sâm, mạch môn mỗi vị 12g; sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, táo nhân, bá tử nhân mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa can âm hư, thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch ở người già, suy nhược thần kinh (triệu chứng: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lưỡi khô): cúc hoa vàng 8g; kỷ tử, hà thủ ô, thục địa, sa sâm, đỗ đen sao mỗi vị 12g; tang thầm, long nhãn, mạch môn mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa suy nhược tâm thần với các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, kém trí nhớ, mất ngủ: cúc hoa trắng 20g, toan táo nhân 25g; đương quy, phục linh, sinh địa, kỷ tử mỗi vị 20g; viễn chí, tục tùy tử, mạch môn, bạch truật mỗi vị 15g; xuyên khung, hoàng bá, nhân sâm mỗi vị 10g; nước 800ml sắc còn 300ml, chia 2 lần, uống trong 5 ngày.

Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có xơ vữa động mạch, chóng mặt, ù tai và những triệu chứng chủ quan khác: cúc hoa trắng 10g, sinh địa 25g, vỏ ngọc trai 25g, sơn dược 15g, phục linh 12g, sơn thù du 12g, mẫu đơn 10g, lá dâu 10g, nước 800ml. Sắc còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có bệnh thận: cúc hoa trắng 10g; phục linh, sinh địa, sơn dược, thạch hộc mỗi vị 12g; kỷ tử, sơn thù du, trạch tả mỗi vị 10g; mẫu đơn 6g, nước 800ml. Sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có suy tim, chóng mặt, thở hổn hển, ra mồ hôi, có triệu chứng ứ trệ máu: cúc hoa trắng 6g, mạch môn 15g, hà thủ ô đỏ 15g; sinh địa, đương quy, ngũ vị tử, táo ta, huyền sâm mỗi vị 10g; phục linh, thạch xương bồ, cam thảo, đảng sâm mỗi vị 6g, chi tử 3g. Sắc uống.

Chữa nhọt ống tai ngoài: cúc hoa vàng 12g; bồ công anh, sài đất, kim ngân hoa, kê huyết đằng mỗi vị 16g; hoàng liên, sinh địa mỗi vị 12g, chi tử 8g. Sắc uống.

Chữa đinh râu: hoa và lá cúc hoa vàng 80g, bồ công anh 80g, giã nát, lọc lấy nước uống, đắp bã tại chỗ.

Chữa đinh nhọt, mụn nhọt có mủ theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: bạch cúc hoa 160g, cam thảo 20g, sắc uống.

Chữa viêm não Nhật Bản B: cúc hoa trắng 10g, thạch cao 3g, liên kiều 10g, kim ngân hoa 10g, cam thảo 6g, hoàng cầm 6g, thanh cao 6g, dành dành 5g, cát cánh 5g, bạc hà 2g, nước 300ml. Sắc trong 20 phút, uống tất cả mỗi lần.

Chữa co giật, hôn mê do sốt cao ở thời kỳ toàn phát các hội chứng nhiễm độc não, viêm não, viêm màng não: cúc hoa vàng 12g; sinh địa, thạch cao, thảo quyết minh mỗi vị 20g; câu đằng 16g. Nếu mắt đỏ, thêm long đởm thảo 8g; khò khè do ứ động dịch tiết, thêm trúc lịch 30ml; lưỡi đỏ, miệng khô thêm mạch môn 12g, thiên hoa phấn 8g. Sắc uống.

Làm đẹp da, tăng tuổi thọ - Đây là tác dụng được các cung tần mỹ nữ Trung Hoa thời xưa đặc biệt chú ý. Trong cuốn “Từ Hy Quang Tự y phương tuyển nghị” của Trần Khả Dực (đời Thanh) có trích phương thuốc bí truyền “Cúc hoa diên linh cao” do Trương Trọng Nguyên và Đào Bảo Sinh chế cho Từ Hy Thái Hậu, có tác dụng làm cho làn da trở nên hồng hào, tươi mịn, dung nhan bất suy và trường thọ. Thành phần của bài thuốc gồm: 2kg cánh hoa cúc tươi nấu cùng với nước, loại bã, lấy phần nước cô đặc lại rồi trộn với mật ong để nấu thành cao. Ngày dùng 1 - 3 lần, mỗi lần 12 - 15g, uống cùng nước sôi để nguội.Cúc hoa vàng (kim cúc).

Cúc hoa vàng (kim cúc).

Sách “Bảo Phác Tử” của Cát Hồng đời Tần cũng ghi lại bài thuốc “Bột cúc hoa” làm tăng sắc đẹp: bạch cúc nửa cân hái vào đúng ngày 9 tháng 9 âm lịch, Phục linh nửa cân. Đem tán bột rồi trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 6g với rượu ấm.

Bài thuốc “Dưỡng thọ đơn” trong “Ngự dược viên phương’ của Hứa Quốc Trinh giúp bồi bổ ngũ tạng, làm đẹp dung nhan, khỏe mạnh, lâu già: bạch cúc hoa, địa cốt bì, câu kỷ tử, thỏ ty tử, phúc bồn tử, viễn chí, thạch xương bồ, ba kích, bạch truật, phục linh, tục đoạn, tế tân, thục địa, xa tiền tử, hà thủ ô, nhục thung dung mỗi thứ 3 lạng, tán bột, luyện với mật ong, viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần lúc bụng đói.

Bài thuốc “Cam cúc phương” kéo dài tuổi thọ: Hái mầm cúc vào thượng tuần tháng 3, lá cúc vào tháng 6, hoa cúc vào tháng 9, nhổ cả cây, rễ vào tháng 12, cả 4 thứ phơi trong râm cho khô, lấy số lượng bằng nhau đem tán nhỏ. Liều dùng ngày 3 lần, mỗi lần 1 đồng cân hoặc luyện với mật ong, làm viên bằng hạt ngô, dùng ngày 3 lần, mỗi lần 7 viên. Uống liên tục trong 100 ngày.


Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Ý kiến của bạn
Tags: