Chữa bệnh bằng đỉa - chuyện độc đáo

12-07-2019 13:08 | Y học 360
google news

SKĐS - Sức mạnh chữa bệnh của đỉa đã được ghi lại trong suốt hàng ngàn năm. Nó có dấu tích trong các lăng mộ vua Ai Cập, hiện diện trong các bài thơ Hy Lạp cổ đại và cả trong các trước tác y khoa viết bằng tiếng Ả Rập, tiếng Tàu và tiếng Phạn.

Ngay chính Hippocrates cũng khẳng định rằng mọi bệnh tật phát sinh chính là từ sự mất cân bằng các chất dịch cơ thể: đờm, mật đen - mật vàng và máu đỏ. Do đó, việc “loại bỏ” máu không cần thiết có thể ngăn ngừa ốm đau và chữa lành bệnh tật.

Hành trình kỳ lạ dùng đỉa chữa bệnh

Với các bác sĩ ở thời kỳ đầu của y học, họ tin rằng loại bỏ máu dư thừa là cần thiết cho sức khỏe của bệnh nhân, vì thế họ lựa chọn đỉa để làm việc này. Các nền văn hóa khác nhau đã sử dụng một số loài đỉa để hút máu. Nổi tiếng nhất trong số đó là Hirudo medicinalis còn được biết đến dưới cái tên “Đỉa thuốc châu Âu”. Vào thời kỳ Trung Cổ, các nha sĩ cũng dùng đỉa để hút máu sau khi nhổ răng của bệnh nhân. Thời hoàng kim của dùng đỉa chữa bệnh là vào đầu thập niên 1800 khi một bác sĩ giải phẫu nổi tiếng người Pháp tên là François Broussais đã tuyên bố rằng tất cả mọi bệnh tật đều do một chứng viêm trong đường ruột và chỉ cần trích máu là có thể khỏi bệnh. Việc cắt các tĩnh mạch sẽ chảy nhiều máu và dễ bị nhiễm trùng nếu dùng dao mổ, nên BS. Broussais ủng hộ việc dùng đỉa vì cho rằng sẽ an toàn hơn.

Trong cuốn sách Sinh học trị liệu - Lịch sử - Nguyên tắc và Thực hành, một cuốn sách giáo khoa về việc sử dụng các sinh vật đang sống để điều trị bệnh, 2 tác giả Olga Gileva và Kosta Mumcuoglu giải thích rằng giới bác sĩ trên toàn thế giới từ Brazil sang Đông Âu đã dùng đỉa để trị đau đầu đến động kinh và lao phổi. Các hoàng đế Nga và công chúa Anh thường dùng đỉa mỗi khi họ bệnh. Ở Pháp, họa tiết con đỉa thường được thêu trên váy đầm của phụ nữ. Sự sùng bái đỉa trong chữa bệnh đã khiến cho loài đỉa trên toàn châu Âu trở nên khan hiếm. Sau đó, việc dùng đỉa trị bệnh bị thoái trào vì sự ra đời của kháng sinh và đà lớn mạnh của y học hiện đại. Nhưng nhu cầu dùng đỉa không biến mất hẳn, liệu pháp này vẫn còn với việc chữa đau và giảm viêm, được dùng với các loại thuốc dân gian ít tốn kém khác, đặc biệt là ở Đông Âu nơi mà đỉa vẫn được bán ở dạng hũ vào thập niên 1960. Ngày nay, việc dùng đỉa chữa bệnh gọi là Liệu pháp Hirudo (Đỉa liệu pháp).

Chữa bệnh bằng đỉaDùng đỉa hút máu độc tại bệnh viện. Ảnh nguồn: Leech.com

Đỉa có nhiều đóng góp cho y học hiện đại

Trong các thập niên qua, đỉa đã đặt nền tảng cho y học hiện đại. Các nhà sinh học phân tử đã xác định được rất nhiều hợp chất có trong nước bọt của loài đỉa, có thể giúp giảm viêm, khử trùng vết thương, giãn mạch máu và ngừa máu đông. Các bác sĩ lâm sàng đã sử dụng những hợp chất này để giảm đau đầu gối do viêm xương khớp; chứng máu tụ (vết thâm tím) và phục hồi cho bệnh nhân sau cấy ghép mô và phẫu thuật tái tạo. Năm 2004, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ra tuyên bố đỉa cùng với giòi ăn thịt sống bám trên các vết thương đang thối rữa có thể dùng cho y học; hoặc dùng cho các phẫu thuật phức tạp như nối các ngón tay hoặc cấy ghép vạt da. Để giải thích việc dùng đỉa trong các phẫu thuật này, GS. Marcia Barnes, tại Đại học Cumberland (Hoa Kỳ), cho biết: Phần cơ thể sau khi được ghép phải được kết nối với các động mạch, tĩnh mạch và gân. Cần có thời gian để máu chảy ổn định qua các tĩnh mạch sau phẫu thuật. Nhưng sự tắc nghẽn dòng chảy của máu có thể khiến mô mới được ghép bị hỏng và đỉa sẽ giúp dòng máu không bị tắc nghẽn.

Tại các bệnh viện đều có hướng dẫn nghiêm ngặt về cách dùng đỉa. Các y tá không dùng quá 6 con đỉa tại một thời điểm trên người bệnh nhân. Sau khi con đỉa xong việc, nó sẽ được ngâm trong một dung dịch tẩy và cũng không được thả lại thiên nhiên.

Hiện nay, các hãng dược phẩm cung cấp nguồn đỉa cho các bệnh viện từ các nhà sản xuất đỉa đặc biệt chỉ dùng cho y tế. Biopharm (xứ Wales, Anh) là một hãng chuyên nuôi đỉa. Ngoài cung cấp đỉa cho bệnh viện, Biopharm cũng gửi khoảng vài trăm con đỉa đến các bác sĩ thú y trong vùng để trị chứng khối máu tụ cho chó, mèo. Cũng có một số ít đỉa được mang tới cho các đội bóng bầu dục và kickboxing, dùng để hút máu tụ sau chấn thương.

Chỉ nên dùng trong bệnh viện

Ali Korhan Sig, một nhà vi trùng học đang giảng dạy tại Đại học Hacettepe (Thổ Nhĩ Kỳ), đã nghiên cứu về các chất đạm có trong nước bọt của đỉa và chỉ ra bằng chứng khoa học rằng thứ chất đạm độc đáo này có thể chữa một loạt các chứng bệnh. Tuy nhiên, ông Korhan Sig cũng lo lắng là người ngoài ngành y có thể hiểu sai về liệu pháp đỉa. Ông Korhan Sig giải thích: “Những người hành nghề dùng đỉa không chuyên, không thực sự là bác sĩ, nhưng họ thổi phồng con đỉa như một loại thần dược trị bá bệnh thì rất nguy hại. Bởi nó cũng có thể gây ra một số bệnh nhiễm trùng khác nếu không được kiểm soát”.

Còn ông Ron Sherman, chuyên gia liệu pháp sinh học và là người sáng lập nên Quỹ Nghiên cứu và Giáo dục liệu pháp sinh học (gọi tắt là Bio Therapeutics), cảnh báo: “Có một tiêu chuẩn ngặt nghèo về chăm sóc bằng liệu pháp đỉa trong các phòng khám tư và bệnh viện, nhưng lại không áp dụng với những người trị liệu đỉa không chuyên vì họ không tuân theo bất kỳ hướng dẫn y khoa nào.


Văn Chương
Ý kiến của bạn