Chưa bao giờ dịch bệnh trầm trọng đến thế, Đông Nam Á khẩn cấp chống dịch

05-05-2021 17:43 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Campuchia leo lên mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng quốc gia này vẫn quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa tại thủ đô và một số tỉnh sau 3 tuần áp dụng. Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang đối mặt với tình trạng phức tạp của dịch bệnh.

Campuchia nín thở trước ngày dỡ bỏ phong tỏa

Campuchia- quốc gia Đông Nam Á có chung đường biên giới với Việt Nam- đã có số người mắc COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay, lên 938 người, đưa tổng số người mắc COVID-19 lên 16.200 người, 107 người tử vong. So với dân số Campuchia khoảng 16,9 triệu người thì cứ 1000 người dân ở đây có gần 1 người nhiễm COVID-19.

Thủ đô Campuchia là  Phnom Penh đã bị đóng cửa trong 3  tuần để phòng chống dịch và sẽ kết thúc phong tỏa vào ngày mai. Mặc dù đóng cửa nhưng số ca nhiễm tại thủ đô vẫn lên tới 600 người trong 1 ngày.

Chính quyền đang lên kế hoạch căn cứ vào cấp độ dịch bệnh sẽ phân chia thủ đô ra  nhiều khu vực bằng các bảng màu như  Khu vực màu vàng, Khu vực màu da cam và thu hẹp các Khu vực màu đỏ- nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất.

Khu vực bị phong tỏa tại thủ đô

Giờ giới nghiêm ở các khu vực cũng được kéo dài thêm, nếu trước đây thời gian giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng nay sẽ bắt đầu từ 3 giờ chiều.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hy vọng chiến dịch tiêm chủng phải vượt mục tiêu đặt ra trước đó là 520.000 người.  Ông  yêu cầu tất cả người dân đủ điều kiện sức khỏe phải được tiêm vắc xin.

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia cho biết: “Chúng tôi cần phải tiêm cho tất cả những người đủ điều kiện ở Khu vực vùng đỏ mà không có ngoại lệ”.

Chuyên gia của Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng giải thích rằng sở dĩ số ca hàng ngày được phát hiện tăng cao là do quốc gia này đưa vào sử dụng bộ xét nghiệm Rapid Antigen COVID-19, chỉ mất 15 phút để phát hiện vi rút.

“Hầu hết các trường hợp dương tính được phát hiện liên quan tới vùng đỏ hoặc vùng có nguy cơ lây truyền bệnh cao. Đó là lý do khiến chúng tôi phải phong tỏa một số khu vực thủ đô- nơi có tốc độ lây lan dịch bệnh cao nhất", chuyên gia y tế này cho biết.

Người dân Campuchia xếp hàng chờ đến lượt tiêm vắc xin

Người phát ngôn Bộ Y tế Or Vandine kêu gọi người  dân  thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước khi việc lây truyền trở nên không kiểm soát được. “Chúng tôi đã thấy tình trạng này ở Ấn Độ. Chúng ta chắc chắn không muốn đối mặt với tình huống như vậy. Nếu muốn tránh điều đó, các bạn phải chấp nhận một khoảng thời gian khó khăn. Không có gì có thể bảo vệ chúng ta ngoài việc thực hành 3 biện pháp bảo vệ và 3 điều không nên, tiêm phòng và hạn chế đi lại khi không cần thiết, "người phát ngôn Bộ Y tế nói.

Lào vượt 1000 ca COVID-19

Lào đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trong thời gian gần đây. Trong 1 ngày qua, Lào đã ghi  nhận 60 trường hợp mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên 1.026 trường hợp.

Các cuộc điều tra dịch tễ học đã chỉ ra rằng những ca lây nhiễm mới có liên quan chặt chẽ đến những người nhập cảnh trái phép từ Thái Lan vào đất nước này.

Tiến sĩ Phonepadith Xangsayarath, Giám đốc Trung tâm Phòng thí nghiệm và Dịch tễ Trung ương, cho biết vi-rút không loại trừ tầng lớp nào trong xã hội, nó có thể  lây từ người già đến  trẻ em.

Ông cho biết hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều bắt nguồn từ các sự kiện Tết của Lào và không phải là trường hợp lây nhiễm gần đây.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát nhanh chóng ở Lào được xác định là do chủng vi-rút có nguồn gốc ở Anh.

Trước diễn biến của dịch bệnh Lào đã quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa đến ngày 20/5

Dịch COVID-19 rất "nóng" tại Thái Lan- thủ đô Bangkok xây bệnh viện dã chiến

Khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 188 ca, Thái Lan được đặt trong tình trạng báo động cao khi có  27 ca tử vong mới.

Bệnh viện dã chiến được xây dựng khẩn cấp tại Thái Lan

Chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở những “điểm nóng” nếu không hệ thống y tế công cộng của Thái Lan sẽ  bị quá tải. Nguyên nhân là ngay tại thủ đô,  có hàng nghìn người sinh sống trong các điều kiện chật hẹp, trong đó nhiều người thường di chuyển khắp Bangkok và các tỉnh lân cận.

Ngay tại thủ đô Bangkok, tâm điểm của làn sóng lây nhiễm mới, nơi các bệnh viện bắt đầu quá tải, giới chức nước này khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến.

Các bệnh viện dã chiến là nơi phục vụ cho  bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, hoặc những người có các triệu chứng nhẹ. Những người có các triệu chứng nghiêm trọng hơn được điều trị tại bệnh viện. Kể từ khi bắt đầu làn sóng nhiễm trùng mới vào cuối tháng 3, khoảng 14% bệnh nhân COVID-19 ở Bangkok có các triệu chứng từ trung bình đến nặng. 

Sân thể thao trong nhà biến thành bệnh viện

Thống đốc Bangkok cho biết họ có kế hoạch thành lập thêm các bệnh viện dã chiến chăm sóc tích cực để “đảm bảo rằng có sẵn phương pháp điều trị tích cực nếu tình trạng lây nhiễm gia tăng”.

Thống đốc Aswin Kwanmuang cho biết Sân vận động Chaloem Phra Kiat ở quận Thung Khru của Bangkok đã được chuyển đổi thành một bệnh viện dã chiến, nơi có thể điều trị cho  432 bệnh nhân.

Để đảm bảo cho hoạt động của các bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Charoenkrung Pracharak sẽ điều các chuyên gia, thiết bị y tế tới để  có thể chăm sóc bệnh nhân COVID-19 với các triệu chứng nghiêm trọng. Mạng lưới y tế từ xa của Thái Lan sẽ giúp các bệnh nhân được theo dõi tốt nhất, Thống đốc Bangkok cho biết.

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn