Nếu chú ý hơn vào chế độ dinh dưỡng, người bị viêm gan B sẽ hạn chế tối đa bệnh trở nặng

SKĐS - Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus gây ra. Virus viêm gan B có thể gây tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan, ung thư gan. Với người viêm gan B chế độ ăn không quá phức tạp so với người thường, tuy nhiên nếu chú ý hơn về dinh dưỡng sẽ hạn chế tối đa bệnh chuyển biến nặng.

1. Người mắc bệnh viêm gan B cần được điều trị sớm

Khi mắc bệnh viêm gan B, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa biến chứng.

Tùy theo mỗi thể viêm gan B có những đặc trưng riêng, nhưng đều có chung triệu chứng: sốt nhẹ, cảm giác người rất mệt mỏi, không muốn ăn uống, có thể có rối loạn tiêu hoá, khi ăn vào cảm thấy khó tiêu, đi ngoài phân lỏng, nát...

Thông thường, triệu chứng viêm gan B sẽ xuất hiện sau khoảng 3 tháng nhiễm virus. Tuy nhiên, triệu chứng bệnh cũng có thể biểu hiện trong khoảng thời gian từ 6 tuần - 6 tháng kể từ khi nhiễm virus viêm gan B.

Các triệu chứng viêm gan B cấp tính kéo dài trong vài tuần, nhưng cũng có những bệnh nhân viêm gan B cấp có biểu hiện triệu chứng kéo dài tới 6 tháng. Nhiều người bị viêm gan B mà không có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Sau 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Về điều trị viêm gan B trong giai đoạn cấp tính, người bệnh cần được nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý. Một số bệnh nhân cần nhập viện. Một số trường hợp cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh viêm gan B ở giai đoạn mạn tính thường không gây ra các triệu chứng hay biểu hiện gì đặc trưng nên người bệnh thường chủ quan, không theo dõi và điều trị tốt. Khi đó virus gây bệnh sẽ âm thầm gây tổn thương gan dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, suy gan.

Viêm gan B mạn tính cũng làm tăng nguy cơ ung thư gan. Đây là bệnh trầm trọng, thường diễn biến nhanh, điều trị rất khó khăn.

Tuy nhiên, nếu được theo dõi điều trị tốt, người bệnh viêm gan B mạn tính có thể phòng được các biến chứng nguy hiểm. Do đó nếu nghi ngờ bị nhiễm virus viêm gan B, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, xét nghiệm và điều trị sớm.

Chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh viêm gan B nhanh hồi phục - Ảnh 3.

Viêm gan B có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan.

2. Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với người bệnh viêm gan B

Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), do đặc trưng của bệnh, chế độ ăn uống cho người mắc bệnh viêm gan B cần đảm bảo trong quá trình điều trị cũng như phục hồi chức năng gan. Đối với người trưởng thành, chế độ ăn điều trị như sau:

2.1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh viêm gan cấp

Về nhu cầu năng lượng đối với người bệnh viêm gan B cấp là 25Kcal/kg cân nặng/ngày; protid 0,4-0,6gam/kg cân nặng/ngày; lipid từ 10-15% tổng số năng lượng, ăn từ 6-8 bữa/ngày.

Về cơ cấu khẩu phần: năng lượng cần từ 1.300-1.400 Kcal/ngày; lượng protid từ 20-30gam; lipid từ 15-20gam; glucid 250-280gam; nước từ 2-2,5 lít.

2.2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh viêm gan mạn tính

Về nhu cầu năng lượng là 35Kcal/kg cân nặng/ngày; protid 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày; lipid từ 15-20% tổng số năng lượng; ăn từ 3-4 bữa/ngày.

Về cơ cấu khẩu phần: năng lượng cần từ 1.800-2.000 Kcal/ngày; lượng protid từ 50-75gam; lipid từ 30-40gam; glucid 310-340gam; nước từ 1,5-2,0 lít.

Chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh viêm gan B nhanh hồi phục - Ảnh 4.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị viêm gan B.

3. Những thực phẩm thích hợp với người bệnh viêm gan B

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến cho biết, do tổn thương gan nên người bệnh chán ăn, ăn khó tiêu. Vì vậy mục đích dinh dưỡng phải làm sao để số lượng ăn ít, nhưng chất lượng của các chất dinh dưỡng vẫn đủ cung cấp nhu cầu cho người bệnh.

Bệnh nhân viêm gan B nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, sữa...; vitamin như: hoa quả tươi, sữa chua...

Các thực phẩm chính thích hợp với bệnh nhân viêm gan virus là: bột mì, gạo tẻ, đậu tương, đậu đen, đậu xanh… nhằm duy trì năng lượng cần thiết (cách chế biến có thể nấu nhừ, hoặc xay nhuyễn…).

Cần bổ sung các loại vitamin bằng các loại rau quả giàu vitamin trong các bữa ăn như: bầu, bí, cà chua, bắp cải, cam, quýt, táo...

Cần lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn. Khi chế biến thực phẩm cần nấu kỹ, dễ ăn và dễ tiêu hóa, chia làm nhiều bữa trong ngày.

Chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh viêm gan B nhanh hồi phục - Ảnh 5.

Người bệnh viêm gan B nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm.

4. Thực phẩm người bệnh viêm gan cần hạn chế

Người bệnh viêm gan không nên ăn các loại thức ăn có nhiều dầu, mỡ, các món ăn chiên rán, xào…; và các loại hạt nhiều chất béo như: lạc, vừng... vì các thực phẩm này gây trở ngại đến quá trình chuyển hóa chất béo, làm tích mỡ trong gan.

Hạn chế ăn nhiều các thực phẩm quá bổ dưỡng. Nên ăn ít thịt.

Hạn chế ăn các món cay dễ kích thích như: ớt, hồ tiêu, bột cải, tỏi, gừng…

Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung như: nước ngọt, đồ uống có đường, nước trái cây nhiều đường và các món ăn có đường khác.

Kiêng tuyệt đối rượu bia. Vì uống rượu bia làm tăng căng thẳng cho gan và có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị tổn thương gan cao hơn. Nếu tế bào gan hoạt động quá tải, cồn tích tụ sẽ thành chất rất độc khiến gan ngày càng bị suy yếu, làm tăng men gan, dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí tử vong do suy gan…

Nhiễm virus viêm gan B sau bao lâu thì xuất hiện triệu chứng và tiến triển thành ung thư gan?Nhiễm virus viêm gan B sau bao lâu thì xuất hiện triệu chứng và tiến triển thành ung thư gan?

SKĐS - Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến chức năng của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, viêm gan virus B được quan tâm nhiều bởi có thể gây ra xơ gan, ung thư gan.

Xem thêm video đang được quan tâm

Điều trị COVID-19 kéo dài_Nghiên cứu liệu pháp tăng cường miễn dịch, cách tiếp cận mới


Vân Anh (tổng hợp)
Ý kiến của bạn