Chủ xe nên làm gì để phòng ngừa cháy ô tô ngày nắng nóng?

14-06-2024 11:40 | Xã hội

SKĐS - Trong những ngày nắng nóng gay gắt của mùa hè, nguy cơ cháy xe ô tô luôn thường trực. Vậy chủ phương tiện cần làm gì để phòng ngừa cháy?

Trong ngày nắng nóng gay gắt (13/6) đã xảy ra 2 vụ cháy ô tô. Cụ thể, khoảng 15h ngày 13/6, anh Đ.T.S. (SN 1997, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển ô tô BKS 30A-595.xx lưu thông đến gần ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) thì bất ngờ ô tô bốc cháy.

Chủ xe nên làm gì để phòng ngừa cháy ô tô ngày nắng nóng?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy ô tô ở đường Láng, Hà Nội. Ảnh: MXH

Đại diện Đội CSGT đường bộ số 3 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, lửa bắt nguồn từ dưới nắp capo xe. Thời điểm này ngoài trời đang nắng nóng gay gắt. Phát hiện sự việc, người đi đường đã dùng bình cứu hỏa mini hỗ trợ tài xế dập tắt đám cháy.

Trước đó, khoảng 12h ngày 13/6, tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cũng xảy ra một vụ cháy xe 7 chỗ. Theo đó, ô tô đang di chuyển trên quốc lộ 37B đoạn qua địa phận xã Giao Yến bất ngờ bốc cháy dữ dội. 

Chủ xe nên làm gì để phòng ngừa cháy ô tô ngày nắng nóng?- Ảnh 2.

Cháy ô tô ở Nam Định. Ảnh: MXH

Lực lượng PCCC đã có mặt để dập lửa. Sau vài phút đám cháy được khống chế.

  • Để phòng ngừa cháy ô tô ngày nắng nóng, Bộ Công an khuyến cáo những người sử dụng xe không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn… Nếu lắp thêm phải bảo đảm an toàn, không bị quá tải về điện.
  • Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng.
  • Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường (khó nổ máy, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét).
  • Khi để xe trong nhà, nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.
  • Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh.
  • Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ; chủ các phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp.
  • Một số chuyên gia cho biết, một trong số lý do gây hoả hoạn bắt nguồn từ nhiều lái xe giữ thói quen hút thuốc trên ôtô. Khi đó, tàn thuốc có thể bay vào những phần dễ cháy, làm tăng rủi ro cháy nổ.
  • Một thói quen khác cũng có khả năng làm tăng nguy cơ cháy nổ. Ngoài bật lửa, những vật dụng tưởng như vô hại như lọ nước hoa, bình xịt thơm cũng có khả năng phát nổ nếu nhiệt độ ngoài trời nắng nóng.
  • Trong những ngày mùa hè, nhu cầu đi chơi xa tăng cao. Điều này có nghĩa, chiếc xe phải liên tục hứng chịu nắng mặt trời và nhiệt độ từ mặt đường hắt lên, cộng với nhiệt lượng tỏa ra khi vận hành xe.
  • Sau khi di chuyển quãng đường khoảng 100km, nên cho xe nghỉ tầm 15-20 phút để làm giảm nhiệt độ khoang xe. Nên đỗ xe vào bóng mát. Lúc khởi động xe, chủ phương tiện nên kiểm tra kỹ nước làm mát.
  • Khi phát hiện xe bốc khói, không được mở nắp capo vì sẽ tiếp thêm ôxy cho ngọn lửa cháy lớn hơn nếu chưa chuẩn bị đầy đủ thiết bị chống cháy.
Người dân khống chế đám cháy, ngăn chặn ô tô phát nổ tại Đống ĐaNgười dân khống chế đám cháy, ngăn chặn ô tô phát nổ tại Đống Đa

SKĐS - Một số người dân khi phát hiện ô tô bị cháy đã chủ động dập lửa bằng bình cứu hỏa xách tay, vì thế mà ngăn được nguy cơ phương tiện phát nổ.


Phúc Đức
Ý kiến của bạn