Thông tư 07 được sửa đổi cho phù hợp với thực tế
Thông tư 27/2023/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn, bản có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện thông tư 07 cho các cơ sở y tế trên cả nước.
TS Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, mạng lưới y tế thôn bản ở Việt Nam có từ rất sớm và đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó nhân viên y tế thôn bản (NVYTTB) và cô đỡ thôn bản (CĐTB) chính là những cánh tay nối dài của ngành Y tế giúp ngành Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn, giúp giảm các tình trạng tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em. Đặc biệt, lịch sử chưa ghi nhận trường hợp CĐTB bản nào gây ra tai biến cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Từ những CĐTB đầu tiên năm 1992 đến nay, hiện có trên 1.500 CĐTB đang hoạt động. Sau khi Thông tư 07/2013/TT-BYT ra đời, CĐTB được công nhận là một loại hình NVYTTB. Đến nay, Thông tư 07/2013/TT-BYT cần có những chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện hiện tại, phù hợp với Luật Khám chữa bệnh hiện hành. Đây là lý do Bộ Y tế chủ trì xây dựng Thông tư 27/2023/TT-BYT ngày 29/12/2023 thay thế Thông tư 07/2013/TT-BYT ngày 8/3/2013 trước đây.
Thông tư 27 có 11 điều, quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám chữa bệnh với NVYTTB, CĐTB, nội dung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho NVYTTB và CĐTB. Ngoài ra có các điều quy định về Tổ chức thực hiện; Hiệu lực thi hành; Điều khoản tham chiếu; Điều khoản chuyển tiếp; Trách nhiệm thi hành. Thông tư có 5 phụ lục kèm theo gồm 50 danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đối với NVYTTB; 76 danh mục chuyên môn khám chữa bệnh đối với CĐTB; 20 nội dung chuyên môn nghiệp vụ đối với NVYTTB; 20 nội dung chuyên môn nghiệp vụ về nội dung đào tạo chuyên môn đối với CĐTB và 9 nội dung về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ NVYTTB kiêm nhiệm CĐTB.
NVYTTB phải hoàn thành chương trình và được cấp chứng chỉ theo nội dung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tối thiểu 3 tháng, có trình độ chuyên môn về y từ trung cấp trở lên (quy định cũ là từ sơ cấp trở lên) và tự nguyện tham gia làm NVYTTB. Đối với CĐTB, hoàn thành chương trình được cấp chứng chỉ theo nội dung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ quy định thời gian đào tạo tối thiểu 6 tháng, có trình độ chuyên môn về y từ trung cấp trở lên. NVYTTB hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn bản. CĐTB hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn bản.
Theo TSrần Đăng Khoa, phạm vi hoạt động khám chữa bệnh tại Thông tư 27 có điểm mới. NVYTTB và CĐTB khám chữa bệnh không cần chứng chỉ hành nghề. Tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hoạt động tại y tế thôn bản, tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, khám chữa bệnh tại thôn bản theo danh mục kỹ thuật được quy định.
Về kinh phí hỗ trợ đội ngũ này, các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định các nguồn kinh phí hợp pháp và mức hỗ trợ hằng tháng theo các quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho NVYTTB, CĐTB. Đội ngũ NVYTTB, CĐTB đang làm việc trước ngày Thông tư 27 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám, chữa bệnh tại Thông tư này.
Về tiêu chuẩn đối với Nhân viên y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn, bản:
Trình độ chuyên môn, đào tạo, Nhân viên y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn, bản phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
Đối với Nhân viên y tế thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định riêng, thời gian đào tạo tối thiểu ba (3) tháng.
Đối với Cô đỡ thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định riêng, thời gian đào tạo tối thiểu sáu (6) tháng.
Đổi với Nhân viên y tế thôn, bản làm kiêm nhiệm vụ Cô đỡ thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại riêng, thời gian đào tạo tối thiểu ba (03) tháng.
Hoàn thành chương trình (được cấp chứng chỉ) theo nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; Có trình độ chuyên môn về y (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên.
Tự nguyện tham gia làm Nhân viên y tế thôn, bản hoặc Cô đỡ thôn, bản.
Có đủ sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
Chức năng của Nhân viên y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn, bản
Nhân viên y tế thôn, bản hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản.
Cô đỡ thôn, bản hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản.
Nhân viên y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn, bản có những nhiệm vụ gì?
Nhân viên y tế thôn, bản có nhiệm vụ tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hoạt động y tế tại thôn, bản; tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại thôn, bản.
Trong đó, đối với người dân tại thôn, bản, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, thực hiện sơ cứu ban đầu khi cấp cứu và tai nạn; tham gia chuyển tuyến với các trường hợp cấp cứu.
Xử trí ban đầu, chăm sóc một số triệu chứng và bệnh thông thường tại cộng đồng và chuyển đến cơ sở y tế khi cần: ho, sốt, ngạt mũi, đau đầu, đau bụng, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, cảm cúm, sốt xuất huyết, sốt phát ban, viêm da dị ứng, dị ứng nổi mề đay, sởi, quai bị, chân-tay-miệng, và một số bệnh thông thường khác nếu có theo đặc điểm của từng địa phương.
Hướng dẫn, tư vấn một số biện pháp chăm sóc sức khỏe; phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng;...
Cô đỡ thôn, bản tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và các hoạt động y tế tại thôn, bản.
Bên cạnh đó, tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại thôn, bản, trong đó đối với người dân tại thôn, bản, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, thực hiện sơ cứu ban đầu khi cấp cứu và tai nạn; tham gia chuyển tuyến với các trường hợp cấp cứu.
Đối với bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản, phát hiện thai nghén sớm, khám thai; lập phiếu theo dõi thai sản, tư vấn, vận động các phụ nữ mang thai đi khám thai ít nhất 4 lần/thai kỳ và đến đẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quản lý thai nghén, phát hiện những trường hợp thai có nguy cơ cao, xử trí ban đầu và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời.
Phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và thai nhi trong chuyển dạ, xử trí ban đầu, thông báo trạm y tế xã hỗ trợ, huy động người nhà/người dân tại cộng đồng chuyển bà mẹ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời.
Xử trí ban đầu các tai biến trong trường hợp đẻ rơi không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ và hỗ trợ chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời; đỡ đẻ thường ngôi chỏm cho phụ nữ có thai khi chuyển dạ không thể đến hoặc không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ; hướng dẫn gia đình xử lý chất thải y tế phù hợp với điều kiện thực tế của thôn, bản.
Khám và xử trí, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà sau đẻ; hướng dẫn, tư vấn vệ sinh phụ nữ, các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn bổ sung hợp lý cho trẻ; cấp phát các sản phẩm chứa sắt/axit folic cho phụ nữ mang thai, bà mẹ, các sản phẩm phòng, chống và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em theo hướng dẫn của Trạm y tế xã (nếu có), kết hợp hướng dẫn, kiểm tra theo dõi tại hộ gia đình;...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với bệnh nhân hiểm nghèo.