Hà Nội

Chú trọng thực hành tiêm an toàn

11-01-2019 07:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, từ tháng 12/2018, vắc xin ComBE Five được triển khai trên toàn quốc.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã phân bổ vắc-xin đến 63 tỉnh/thành phố và hướng dẫn triển khai tiêm vắc-xin; chú trọng thực hành tiêm chủng an toàn, đặc biệt là khám sàng lọc và tư vấn cho cha mẹ cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Có ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five tại một số địa phương

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, Hà Nội triển khai việc tiêm vắc-xin ComBE Five từ ngày 2/1. Đến ngày 8/1, đã có 50% số xã phường trên toàn TP. Hà Nội triển khai chương trình này. Như vậy, toàn thành phố đã có 15 xã phường triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ với số lượng hơn 5.700 trẻ đã được tiêm vắc-xin ComBE Five. Trong 1 tuần đầu, Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five cho thấy, 180 trường hợp có phản ứng thông thường, 2 trường hợp có phản ứng nặng hơn một chút. 2 trường hợp phản ứng nặng hơn sau đó đã được đưa vào bệnh viện và được điều trị ổn định.

Theo ông Hạnh, những phản ứng thông thường của trẻ sau khi tiêm vắc-xin như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên các phụ huynh yên tâm, đó chỉ là những phản ứng thông thường sau tiêm chủng. Và thực tế có 2 trường hợp phản ứng nặng hơn ở Sài Sơn (Quốc Oai) và tại huyện Mê Linh đã được điều trị kịp thời. Hiện sức khoẻ của trẻ đã ổn định.

Các địa phương khẩn trương thực hiện tiêm vắc-xin ComBE FiveCha mẹ cần theo dõi phản ứng của trẻ sau khi tiêm chủng.   Ảnh: TM

Điện Biên cũng ghi nhận 6 trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five. Ngày 6/1, BVĐK tỉnh Điện Biên tiếp nhận và điều trị 6 trường hợp trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five, trong đó có 3 trường hợp phản ứng nặng. BS. Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Nhi-BVĐK tỉnh Điện Biên cho biết, khoảng 11 giờ ngày 6/1, bệnh viện tiếp nhận trường hợp đầu tiên là cháu Ngô Văn Quốc (4 tháng tuổi, trú tổ 9, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) trong tình trạng khó thở, sốt cao, quấy khóc, da có biểu hiện tím tái. Chiều cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận thêm 5 trường hợp bệnh nhi có biểu hiện tương tự nhưng nhẹ hơn. Ngay sau đó, các bệnh nhân được tiêm hạ sốt, 2 trường hợp nặng nhất được cho thở bằng oxy. Đến sáng 7/1, sức khỏe của các bệnh nhân đã tạm thời ổn định, các bác sĩ tiếp tục theo dõi và có thể sẽ cho xuất viện vào cuối ngày. Chị Mai Thị Thủy - mẹ của bệnh nhi Ngô Văn Quốc cho biết, sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five tại Trạm Y tế phường Him Lam khoảng hơn 1 giờ thì cháu sốt cao, co giật, môi thâm, da tím tái nên gia đình đã đưa cháu nhập viện, người nhà rất hoang mang, lo lắng vì đây là loại vắc-xin mới được triển khai lần đầu.

Theo ông Đoàn Ngọc Hùng - Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên: Tỉnh Điện Biên bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five từ ngày 6/1 với 333 trẻ được tiêm tại TP. Điện Biên Phủ (308 trẻ) và huyện Tủa Chùa. Trong số 333 trẻ được tiêm có 14 trẻ bị phản ứng nhẹ (sốt dưới 38 độ, sưng đau chỗ tiêm) và 3 trẻ phản ứng nặng (sốt cao trên 39 độ, có biểu hiện co giật, quấy khóc kéo dài).

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh vừa tiếp nhận 8.000 liều vắc-xin ComBE Five từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế để triển khai tiêm phòng trong đợt này

TS. Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh có gần 17 ngàn trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi nằm trong danh sách được tiêm vắc-xin ComBE Five. Tuy nhiên, với lượng vắc-xin kể trên, trong ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng 1/2019 sẽ ưu tiên những trẻ đã tiêm vắc-xin Quinvaxem mũi 1, mũi 2 trước đó. Để triển khai hiệu quả tiêm vắc-xin ComBE Five, Trung tâm CDC Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn cập nhật các kiến thức về chuyển đổi, sử dụng vắc-xin ComBE Five; tổ chức thực hiện buổi tiêm chủng an toàn theo quy định của Bộ Y tế cho cán bộ tiêm chủng, cán bộ khoa cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa và các cơ sở khám bệnh tư nhân trên toàn tỉnh. Trung tâm CDC Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi 30 phút tại trạm sau tiêm, tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

Tỉnh Kon Tum là tỉnh đại diện cho 1 trong 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five miễn phí trong tiêm chủng mở rộng, thời gian bắt đầu triển khai vào ngày 01/11/2018, tùy theo buổi tiêm chủng thường xuyên của các địa phương mà thời gian triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five khác nhau. Tỉnh Kon Tum có 10 huyện, 102 xã/thị trấn/phường. Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi tiêm vắc-xin ComBE Five, tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc truyền thông, triển khai bao gồm hướng dẫn xử trí phản ứng sau tiêm. Đã  tổ chức tập huấn 11 lớp tuyến tỉnh/huyện với 398 người tham dự, có sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi và 10 TTYT huyện/thành phố trong tháng 6-7/2018. Kết quả cho thấy công tác chuẩn bị được các tuyến thực hiện tốt bao gồm rà soát đối tượng, cung ứng vắc-xin, phối hợp với bệnh viện tỉnh trong hỗ trợ vận chuyển, xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng (nếu có), công tác tổ chức buổi tiêm chủng tại xã được thực hiện theo đúng quy trình tiêm chủng và đảm bảo an toàn,

Trong tháng 10 và tháng 11/2018, Bộ Y tế đã triển khai vắc-xin DPT-VGB-Hib ComBE Five do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất tại 7 tỉnh: Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu. Kết quả đã tiêm được 17.356 trẻ tại 7 tỉnh, tỷ lệ xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%.

Cách theo dõi trẻ sau tiêm vắc-xin mới ComBE Five

Theo PGS.TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi tiêm chủng, với các vắc-xin như ComBE Five, thậm chí cả những mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 dịch vụ, trẻ cũng đều có các biểu hiện đau, có thể sưng nề đỏ tại nơi tiêm, sốt. Thông thường, các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước và theo dõi trẻ kể cả trong đêm ngủ.

Cha mẹ đưa trẻ đi tiêm cần chú ý trẻ phải được các bác sĩ khám sàng lọc để đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Các bà mẹ cần nắm được con được tiêm vắc-xin gì, hiểu được những phản ứng sau tiêm là gì. Cần cho trẻ ăn đủ, uống nước đủ khi đi tiêm.

Sau tiêm ComBE Five, trẻ phải được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Khi về nhà, trẻ cần được theo dõi thường xuyên. Đặc biệt, cha mẹ không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm, cặp nhiệt độ cho trẻ 4 - 6h mỗi lần để theo dõi nhiệt độ của trẻ. Theo dõi các biểu hiện như: phản ứng tại nơi tiêm, hiện tượng quấy khóc, sốt và các biểu hiện khác như tinh thần, ăn, bú, nôn trớ, khó thở...

Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: sốt trên 38,5 độ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt; đặc biệt các dấu hiệu như quấy, bỏ bú, khó thở, tím tái..., cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đây là các biểu hiện nặng của phản ứng dị ứng và phản ứng phản vệ sau tiêm. Song, tỷ lệ này rất thấp và nếu được xử lý kịp thời tại các cơ sở y tế sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn