Tăng khả năng phục vụ, khám chữa bệnh cho người dân
Từ năm 2013 - 2023, ngành y tế Điện Biên đã có gần 1.200 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học. Hiện, tổng số bác sĩ tuyến huyện hơn 350 người, tuyến xã gần 120 người; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ hoạt động đạt trên 97%... Đây là thành quả của ngành y tế trong thu hút, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác y tế. Cùng với đó, việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cũng được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Là tuyến đầu của y tế tỉnh, BVĐK tỉnh Điện Biên để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, ngoài đầu tư về cơ sở, trang thiết bị còn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đơn vị đã quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ y bác sĩ được đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Đến tháng 11/2023, viện có 116 bác sĩ (03 tiến sĩ, 12 BSCKII, 27 thạc sĩ, 27 BSCKI, 47 bác sĩ đa khoa và chuyên khoa định hướng).
Trong tháng 11/2023, Bệnh viện đã cử 26 bác sĩ, điều dưỡng đi học bác sĩ CKII, Thạc sĩ, CKI gồm các chuyên ngành: Sản, nhi, hồi sức cấp cứu, da liễu, nội tim mạch, phục hồi chức năng, kỹ thuật xét nghiệm y học, nội khoa tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Điều dưỡng Nam Định.
Với khóa đào tạo ngắn hạn, 31 cán bộ cũng đã được cử đi đào tạo ở những bệnh viện tuyến trung ương. Các kỹ thuật tập trung đào tạo như: Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo; Cập nhật chẩn đoán, điều trị và quản lý tăng huyết áp; Bơm xi măng thân đốt sống đoạn bản lề thắt lưng – thắt lưng cùng; Tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh lý dị ứng nhi khoa cơ bản….
Các lớp tập huấn trực tuyến theo từng khoa, chuyên môn, lĩnh vực được triển khai. 310 lượt cán bộ đã tham gia các khóa đào tạo tập huấn, hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế và các Bệnh viện tuyến Trung ương tổ chức. Nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, nữ hộ sinh có trình độ, năng lực chuyên môn đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân trên địa bàn.
Hiện nay mạng lưới y tế Điện Biên được bao phủ rộng khắp về tới từng xã bản vùng sâu, vùng xa với: 4 bệnh viện tuyến tỉnh với 830 giường bệnh; 10 Trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị xã, thành phố hoạt động theo mô hình TTYT đa chức năng và 129 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, tiết kiệm thời gian, chi phí; góp phần giảm thiểu tình trạng chuyển tuyến trong điều trị.
Tăng năng lực cán bộ đã làm tăng khả năng phục vụ khám chữa bệnh cho người dân ở địa phương. Hàng năm, ngành Y tế tỉnh đã phục vụ, khám bệnh cho trên 900.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho gần 101.000 lượt; điều trị ngoại trú cho trên 7.200 lượt, kê đơn cấp thuốc tuyến xã cho gần 315.000 lượt...
Theo Ths.BS Nguyễn Thế Dũng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc, BVĐK tỉnh Định Biên, chuyên ngành hồi sức cấp cứu rất vất vả khi số bệnh nhân nặng phải can thiệp thở máy và hồi sức cấp cứu nhiều. Cho nên việc đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên, đầy đủ cho các bác sĩ vô cùng cần thiết, giúp xử trí được các ca nặng.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong bối cảnh nhiều khó khăn đan xen, ngành Y tế tỉnh đã chủ động các giải pháp đổi mới, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế. Hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện đang tham gia đề án khám chữa từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E, Bệnh viện Tim Hà Nội đã giúp nhiều bệnh nhân được hỗ trợ chẩn đoán trực tuyến điều trị theo phác đồ điều trị của bệnh viện tuyến trên mà không phải chuyển tuyến.
Nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được thực hiện thành công ngay tại tuyến tỉnh, giảm chi phí cho người bệnh và họ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương. Chẳng hạn như: Mổ nội soi khớp gối, phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản, phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp đặt lưới nhân tạo, phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ…
Thời gian tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp. Theo ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngành Y tế phải là cơ quan tham mưu trực tiếp để xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ. Trong đó, quan tâm đến cán bộ quản lý các cấp từ tuyến tỉnh đến xã.
Về chuyên môn phải quan tâm đến kế hoạch và xây dựng kế hoạch làm sao đào tạo cán bộ chuyên môn các cấp đối với từng chuyên ngành phù hợp từ điều dưỡng, bác sĩ, dược sĩ theo các cấp từ bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, Thạc sĩ, Tiến sĩ và có kế hoạch phân công phù hợp theo chuyên ngành đào tạo theo từng tuyến bệnh viện theo phân cấp bệnh viện nhằm phát huy tối đa và hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong ngành y tế, tăng cường chất lượng các đề tài, công trình nghiên cứu để ứng dụng hiệu quả vào hoạt động của từng đơn vị, địa phương và toàn ngành, phục vụ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh.