Chú trọng giải quyết nhiều vấn đề lớn của dân số Việt Nam

11-12-2017 15:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều vấn đề lớn của dân số nước ta hiện nay như mức sinh chênh lệch giữa các vùng, mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, già hóa dân số đã được Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đưa ra giải pháp…

Chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng

Hiện nay, mức sinh giữa các vùng trong cả nước có sự chênh lệch đáng kể. Chẳng hạn, khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có mức sinh khá cao, từ 2,5-2,6 con/phụ nữ nhưng ở Đông Nam Bộ, mức sinh giảm xuống rất thấp, dưới mức sinh thay thế, thậm chí, tại TP.HCM, mức sinh giảm chỉ còn 1,3 con/phụ nữ. Mức sinh giảm thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số, tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi nhóm dân trên 65 tuổi ngày càng tăng. Khi đó sẽ tạo ra sự dịch chuyển về dân số và kéo theo một loạt các vấn đề khác về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm... Điều đáng chú ý là nơi có chất lượng dân số thấp thì có mức sinh nhiều, còn nơi có chất lượng dân số cao thì lại hạn chế.

Trước thực trạng này, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Chú trọng giải quyết nhiều vấn đề lớn của dân số Việt NamMất cân bằng giới tính ở nước ta tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng.

Già hóa dân số

Người cao tuổi là nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế -xã hội và Việt Nam đã ở giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỉ lệ người già từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số và sẽ chuyển sang dân số già rất nhanh, chỉ khoảng 16-18 năm. Tuy nhiên, công tác người cao tuổi ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn người cao tuổi sống chung với con cháu trong khi cấu trúc gia đình đang dịch chuyển sang gia đình hạt nhân, đời sống vật chất còn khó khăn, hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, sức khỏe người cao tuổi còn nhiều hạn chế, số năm sống khỏe còn thấp so với tuổi thọ.

Nắm bắt được những vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ, cần ban hành Chiến lược dân số trong tình hình mới; phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững và thích ứng với già hóa dân số. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi.

Mất cân bằng giới tính khi sinh

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh liên tục từ năm 2006 đến nay: 109,8 bé trai/100 bé gái (năm 2006) lên 113,8 bé trai/100 bé gái (năm 2013). Xu hướng này vẫn tiếp tục tăng, mất cân bằng cả ở nông thôn và thành thị; người có điều kiện kinh tế, học vấn cao hơn lại lựa chọn giới tính khi sinh nhiều hơn. Mất cân bằng giới tính khi sinh tác động trực tiếp đến các chỉ báo nhân khẩu học và các vấn đề xã hội: Thừa nam, thiếu nữ đặc biệt nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn; nam giới khó lấy được vợ; tan vỡ cấu trúc gia đình; phụ nữ kết hôn sớm; tỉ lệ ly hôn cao; bạo hành gia đình; bạo lực giới; bất bình đẳng giới; thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề: giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá...; mất an ninh - trật tự xã hội: tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS; buôn bán phụ nữ, trẻ em…

Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết 21-NQ/TW chỉ rõ, công tác dân số trong tình hình mới cần nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ. Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.


Lê Thu Lương
Ý kiến của bạn