Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế và giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế năm 2024 nhằm tiếp tục xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đề nghị các đơn vị y tế trong toàn ngành triển khai thực hiện tốt công tác quản lý môi trường y tế - an toàn vệ sinh lao động; rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ vệ sinh an toàn lao động, thực hiện báo cáo trường hợp tai nạn lao động được cấp cứu, khám điều trị tại các cơ sở y tế theo quy định. Chú trọng công tác quản lý chất thải y tế và phong trào xanh, sạch, đẹp.
Tiếp tục phát động và duy trì Phong trào thi đua "Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý chất thải tại đơn vị, đặc biệt là việc phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu trữ chất thải y tế theo đúng các quy định của Bộ Y tế.
Chủ động tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại tại đơn vị; tăng cường công tác quản lý đối với chất thải y tế phát sinh, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Quan tâm công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế.
Tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị theo hướng dẫn của Sở Y tế tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm, Ngày Môi trường thế giới năm 2024.
Hiện tại, các cơ sở có phát sinh chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm: 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng); 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện YHCT Bảo Lộc); 1 đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng); 12 Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố; 1 nhà hộ sinh và 22 Phòng khám đa khoa khu vực; 142 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập: 2 bệnh viện tư nhân (Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt và Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Đà Lạt); 642 cơ sở y tế tư nhân (9 phòng khám đa khoa tư nhân, 311 phòng khám chuyên khoa, 97 phòng chẩn trị YHCT, 10 phòng Xquang, 151 cơ sở nha khoa và 64 cơ sở khác).
Theo thống kê năm 2023, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh phát sinh gần 250 tấn chất thải lây nhiễm, hơn 8 tấn chất thải nguy hại không lây nhiễm, 1.025 tấn chất thải y tế thông thường và 280.582 m3 nước thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn.
Việc vận chuyển chất thải y tế đã được các cơ sở y tế thực hiện đúng theo quy định tại Kế hoạch số 3876/KH-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đối với chất thải y tế lây nhiễm, các đơn vị trên địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc hợp đồng với các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến lò đốt chất thải y tế trên địa bàn; còn Trung tâm Y tế các huyện tự xử lý chất thải lây nhiễm tại đơn vị nên không vận chuyển ra bên ngoài, chỉ thu gom chất thải lây nhiễm từ các cơ sở y tế trên địa bàn về Trung tâm Y tế xử lý theo quy định.
Đối với rác thải sinh hoạt từ bệnh viện do các đơn vị hợp đồng với công ty môi trường đô thị tại địa phương hàng ngày vận chuyển đến đơn vị xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, lượng chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt thường ngày tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh là 82,6 tấn/năm; trong đó, có 81,2 tấn được chuyển giao để tái chế. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động chuyên môn y tế là 66,1 tấn; trong đó, có 10 tấn được chuyển giao để tái chế.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/CP của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Kế hoạch số 5402/KH-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế tỉnh xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh yêu nước và xử lý chất thải y tế trong ngành Y tế Lâm Đồng năm 2024. Mục đích tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ môi trường đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị trong toàn ngành trong năm 2024.
Nội dung kế hoạch bao gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Tăng cường xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát, quản lý chất thải lỏng tại các cơ sở y tế. Ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đẩy mạnh Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân; chú trọng công tác xây dựng chính sách và tổ chức, chỉ đạo điều hành, truyền thông, nâng cao nhận thức.
Lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường với các chương trình, dự án khác có liên quan: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; các dự án, chương trình về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và Phong trào vệ sinh an toàn lao động… Tăng cường sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội đối với Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân, triển khai mô hình cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp.