Sự phục hồi không đồng đều đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới, làm gia tăng thêm sự chia rẽ Bắc-Nam.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) thường niên năm 2022 diễn ra ở Trung Quốc, ông Tâp Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cam kết xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, đồng thời cho rằng cần đẩy mạnh nỗ lực để đi đầu trong xu hướng chủ đạo của toàn cầu hóa kinh tế, tăng cường điều phối chính sách vĩ mô và thúc đẩy sử dụng khoa học và công nghệ để có thêm động lực tăng trưởng.
Cũng theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cần được duy trì ổn định, cũng như cần ngăn chặn những tác động tiêu cực nghiêm trọng từ việc điều chỉnh chính sách ở một số quốc gia. Để giải quyết tình trạng phát triển không đồng đều và chưa phù hợp, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh cần quan tâm đúng mức đến nhu cầu cấp bách của các nước đang phát triển, đồng thời thúc đẩy hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực chính như xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, tài trợ phát triển và công nghiệp hóa.
Cũng tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo tình trạng giảm tốc kéo dài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc có thể tác động đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn nền kinh tế giảm tốc có ý nghĩa then chốt đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Bà đánh giá Trung Quốc đang sở hữu không gian chính sách để cung cấp sự hỗ trợ cho chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm chuyển trọng tâm sang các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhằm đẩy mạnh tiêu dùng, từ đó cũng có thể góp phần hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của Trung Quốc thông qua việc hướng hoạt động kinh tế sang các ngành nghề có mức phát thải carbon thấp hơn.
Những nỗ lực chính sách mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực bất động sản cũng có thể góp phần đảm bảo sự phục hồi cân bằng. Trước đó, IMF hồi đầu tuần này đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,4% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là xấp xỉ 5,5%.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao tổ chức hội nghị thường niên định kỳ tại Hải Nam, Trung Quốc. Diễn đàn này do 25 nước châu Á và Australia thành lập năm 2001 nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á.