Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193
Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu
Chức Chủ tịch HĐBA luân phiên theo tháng, theo thứ tự tên tiếng Anh của các nước thành viên. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoài Trung, Việt Nam mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu, hòa bình an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, Chủ tịch Tổ chức Lãnh đạo vì Hòa bình
Cựu Thủ tướng Pháp, Chủ tịch Tổ chức Lãnh đạo vì Hòa bình Jean-Pierre Raffarin cho biết “Việt Nam có thể đảm nhiệm vai trò kép bởi Việt Nam là nước có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt cho trọng trách trong năm 2020.” Trên cương vị Chủ tịch HĐBA vào tháng 1/2020, Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xu hướng thiết yếu để tạo nên hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Trong năm nay, Việt Nam sẽ góp phần cải thiện mối quan hệ giữa các tổ chức đa phương với các tổ chức khu vực, cụ thể là ASEAN bởi Việt Nam vừa có vai trò, uy tín trong ASEAN đồng thời lại giữ trọng trách quốc tế ở LHQ.
Tổ chức Lãnh đạo vì Hòa bình trả lời báo chí tại Đại sứ quán Pháp
Cựu Thủ tướng Pháp cũng hy vọng Việt Nam sẽ kết nối người dân ASEAN với các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước,… Về cải cách cơ cấu của LHQ, Việt Nam sẽ đại diện cho tiếng nói của của các nước châu Á, châu Phi ở diễn đàn, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này.
Mở ra những tiềm năng mới cho ASEAN
Chuyên gia Kavi Chongkittavorn, Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế như là thành viên Hội đồng Bảo An LHQ, nước tổ chức Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên,... Ông hy vọng Việt Nam với các lợi thế của mình sẽ phát huy vai trò cương vị Chủ tịch ASEAN chuyển giao từ Thái Lan.
Trong những năm qua kể từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã tỏ ra rất sáng tạo, tiên phong trong nhiều ý tưởng đưa ASEAN kết nối với các khu vực rộng lớn hơn như hợp tác Á Âu (ASEM),... Vị trí trong HĐBA LHQ của Việt Nam cũng góp phần nâng cao uy tín của ASEAN, ông Chongkittavorn nhận định.
Đối thoại ASEAN lần 2 tại Học viện Ngoại giao ngày 23.12.2019
Việt Nam đã trở thành hình mẫu về phát triển và cải cách kinh tế. Việt Nam với kinh nghiệm mở rộng hợp tác về kinh tế như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trên cương vị là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối mở ra những tiềm năng mới cho ASEAN.
Đối tác với các nền kinh tế đầu tàu
Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, năm 2020 là bước tiến mang tính lịch sử, trong 2 thập kỷ qua, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 7.000 %. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhất ở Đông Nam Á. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Still Well nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẵn lòng ủng hộ Việt Nam nắm giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu vào năm 2020.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao CHLB Đức Andreas Michaelis, Đức giữ chức vụ Chủ tịch EU vào cuối năm 2020 sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ EU và ASEAN phát triển theo hướng chiến lược. Trong năm 2020, hai nước đều là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Đức tích cực ủng hộ Việt Nam trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh.