"Vùng Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, Vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP Hồ Chí Minh "rực rỡ tên Vàng" - trung tâm lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng…."
(Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng)
Tại hội nghị, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài tham luận. Báo Sức khỏe&Đời sống đã phỏng vấn ông Võ Văn Minh để làm rõ hơn vai trò của Bình Dương trong Vùng Đông Nam Bộ.
PV: Thưa ông, những năm gần đây Bình Dương là địa phương nổi lên trong cả nước là địa phương năng động, sáng tạo, có những bước phát triển nổi bật trong cả vùng Đông Nam Bộ, ông có thể điểm lại thành tựu của tỉnh trong những năm vừa qua?
Việc ra đời của Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã củng cố sự tin tưởng, tạo sự phấn khởi trong Đảng bộ và Nhân dân trong Vùng, mang lại nguồn cảm hứng và động lực mới cho quyết tâm thực hiện nhữngmục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển Vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Tỉnh Bình Dương bày tỏ sự thống nhất cao và sẽ phấn đấu thực hiện thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết.
Như bạn đã biết, Vùng Đông Nam Bộ có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, từ lâu đã trở thành vùng kinh tế năng động sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước, đảm nhiệm chức năng đầu mối giao thương của cả khu vực và với thế giới. Trong đó, cùng với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương đã trở thành vùng động lực trong tứ giác kinh tế phát triển của Đông Nam Bộ.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, Ban, Ngành trung ương, qua tổng kết 25 năm – Bình Dương hình thành và phát triển, quy mô kinh tế của tỉnh tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng (gấp 104,3 lần so với năm 1997), đứng thứ 3 cả nước; trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, công nghiệp tăng 140,6 lần.
Bình Dương được đánh giá là địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương; là một trong số những địa phương thuộc tốp đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút đầu tư trong nước, thu ngân sácch đều ở mức cao.
Quá trình phát triển đó đã giúp Bình Dương bước đầu tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ, thể hiện qua việc Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và một số đoạn thuộc Vành đai 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.
PV: Bình Dương "nơi đất lành, chim đậu" của người dân và doanh nghiệp thời gian tới sẽ còn không ít thách thức và rõ nhất là vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Bình Dương sẽ đối diện với khó khăn này như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Văn Minh: Vâng, khó khăn, thách thức luôn hiện hữu, đòi hỏi chúng tôi luôn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Thực tế hiện nay là, ngành công nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tỉnh tế của tỉnh, năng suất lao động còn thấp, dân số cơ học còn cao...
Chúng tôi đã xác định đây không chỉ là bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn là bài toán phát triển bền vững, bài toán bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, bài toán đô thị hóa, kết nối, hội nhập phát triển.
Tỉnh Bình Dương đã xây dựng chiến lược để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, gắn chặt chẽ với đề án Quy hoạch tích hợp của tỉnh và quán triệt sâu sắt quan điểm chỉ đạo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị trong phát triển vùng Đông Nam bộ, đó là: Phát triển Bình Dương phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển KTXH của Vùng và Đất nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch Vùng và Quốc gia.
Đảm bảo tính kế thừa phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp và tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, tăng năng suất lao động tổng hợp thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; phát triển đảm bảo an sinh, an toàn xã hội; huy động tối đa nguồn nội lực, kết hợp hài hòa ngoại lực để phát triển nhanh nhưng bền vững, tích cực chủ động hội nhập quốc tế.
PV: Xin ông cho biết công việc mà lãnh đạo tỉnh Bình Dương bắt tay ngay vào thực hiện trong thời gian tới để bước đầu thực hiện tốt Nghị quyết 24 NQ-TW?
Ông Võ Văn Minh: Cảm ơn nhà báo đã đặt câu hỏi này. Tỉnh Bình Dương của chúng tôi sẽ tiến hành thực thi việc tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp – đô thị- dịch vụ mới, gắn liền với quy hoạch vùng.
Bình Dương cũng đã xác định cần tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.
Cùng với đó, chuyển đổi mô hình phát triển từ Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện nay sang mô hình phát triển Công nghiệp –Đô thị- Dịch vụ theo hướng Thông minh - Bền vững: Đó là xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 (nhưIoT, BigData,…) để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhằm gia tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường.
Đồng thời triển khai thực hiện mô hình công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Quốc tế gắn liền với khoa học và công nghệ, thu hút các viện- trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Qua quá trình phát triển như tôi đã nói ở trên, Bình Dương bước đầu đã tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ.
Điều đặc biệt là những tuyến đường này được hoàn thành thông qua quá trình huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp của các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, được hoàn thiện từ nguồn vốn doanh nghiệp, góp phần rất hiệu quả trong chia sẻ gánh nặng về ngân sách.
Về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị, Nghị quyết 24 đã xác định cần thiết phải "Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng".
Vì vậy, trong quá trình xây dựng quy hoạch tích hợp, hiện nay chúng tôi đã quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp dọc các tuyến vành đai - cao tốc này, điều đó sẽ tạo ra một không gian phát triển mới với nhiều dư địa để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong đô thị không còn phù hợp quy hoạch, đồng thời tạo nguồn thu lớn từ quỹ đất để tái đầu tư phát triển.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và hỗ trợ của các bộ ngành trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã có chủ trương và quyết tâm thực hiện công tác giải tỏa theo quy mô quy hoạch và thông tuyến các đường vành đai 3, 4, cao tốc TP.Hồ chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua địa bàn Bình Dương trong giai đoạn 2023 – 2025.
PV: Để Bình Dương cùng các tỉnh Đông Nam Bộ phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, tỉnh đã có những kiến nghị gì với Trung ương, thưa ông?
Ông Võ Văn Minh: Qua quá trình thực hiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Dương đã nêu những điểm nghẽn cố hữu mà Vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên kết phát triển vùng đã và đang gặp phải.
Để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ và nâng cao tính năng động của các địa phương trong Vùng như tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Trung ương một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, sớm hoàn thành quy hoạch Vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội Vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; có các chính sách để các địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, thu hút và cung ứng nguồn nhân lực.
Xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Cần có cơ chế đặc thù cho Vùng trong điều tiết ngân sách cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh trong Vùng nói chung và Bình Dương nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực...
Bên cạnh đó, chúng tôi đã đề xuất với Trung ương xem xét, phân bổ nguồn lực biên chế phù hợp, tương xứng với quy mô, tiềm năng phát triển của tỉnh để đáp ứng các nhu cầu phát triển hiện tại của địa phương.
Thứ 2, sớm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết để có định hướng, cơ chế - chính sách đặc thù để vùng tận dụng các cơ hội sẵn có, sớm hướng đến những mục tiêu, định hướng rõ ràng đã được Bộ Chính trị đặt ra.
Thứ 3, kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi các Luật liên quan đến đầu tư công cũng như hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai (giá trị đền bù, nguồn gốc đất,...), Luật Ngân sách nhà nước (phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp), Luật Xây dựng (phân cấp cơ quan thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở,...) theo nguyên tắc đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng để tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình đưa vốn đầu tư vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của quốc gia.
PV: Trân trọng cảm ơn ông
*Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành ngày 7/10/2022.
*Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
*Tầm nhìn đến năm 2045: Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.